Tại đây, bà con tận dụng diện tích bãi bồi ven biển thả con giống, tạo thành vùng nuôi tập trung rộng trên 2.200 ha. Với năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha, hàng năm, vùng nuôi nghêu Gò Công, tỉnh Tiền Giang đạt sản lượng trên 20.000 tấn sản phẩm cung ứng thị trường tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương thu hoạch đạt sản lượng khoảng 11.000 tấn nghêu thương phẩm. Giá nghêu thịt ổn định ở mức cao, từ 26.000 đ đến 28.000 đồng/kg, bà con vùng nuôi rất phấn khởi bởi nghề nuôi nghêu đang mang lại thu nhập khá.
Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển bền vững nghề nghêu Gò Công, huyện Gò Công Đông đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững nghề nghêu Gò Công, phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang xây dựng tiêu chuẩn MSC cho vùng nuôi nghêu, hướng đến việc xuất khẩu nghêu sang thị trường các nước phát triển như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản….Địa phương cũng kiện toàn 2 Tổ quản lý cộng đồng nghề nghêu theo tiêu chí MSC; xác định trữ lượng nguồn nghêu giống, nghêu bố mẹ và nghêu thịt cho vùng nuôi...
Mặt khác, Gò Công Đông đang triển khai dự án “Khu bảo tồn nghêu giống và nghêu bố, mẹ tại vùng nuôi nghêu xã Tân Thành” với mục tiêu nâng cao giá trị, hiệu quả của hoạt động nuôi nghêu; bảo tồn được nguồn nghêu bố mẹ cũng như gia tăng khả năng sinh giống tự nhiên hàng năm cho vùng nuôi nghêu Gò Công.
Đồng thời, để giúp nông dân bảo vệ tốt vùng nuôi trước thời tiết bất lợi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang thường xuyên lấy mẫu, giám sát mầm bệnh trên nghêu nuôi, khuyến cáo nông dân các biện pháp xử lý, ứng phó cần thiết, đảm bảo nghêu nuôi phát triển, hạn chế thiệt hại hoặc rủi ro dịch bệnh.
Theo Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, hiện nay đang vào mùa mưa, môi trường biến động nên rất thuận lợi cho vi khuẩn gia tăng mật độ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con nghêu nuôi. Do vậy, nông dân vùng nuôi cần chú ý đến các yếu tố liên quan như: lịch thả giống, bãi nuôi, mật độ, cách chăm sóc, quản lý và khai báo kịp thời khi xảy ra dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành chức năng.
Đặc biệt, cần tuân thủ lịch thả giống theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y vào hai thời điểm trong năm. Thời điểm thứ nhất là từ giữa tháng 10 năm trước đến tháng giêng năm sau; thời điểm thứ hai là từ sau tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Trên cơ sở đó, tùy thuộc vào vị trí sân và kích cỡ nghêu giống thả nuôi, nông dân quyết định thời điểm cu thể thả giống nghêu cho sân nghêu của mình nhằm bảo đảm nghêu phát triển tốt, bội thu.
Ngoài ra, nông dân cũng cần quan tâm định kỳ 3 tháng một lần san thưa để duy trì mật độ nghêu nuôi thích hợp, chủ động phòng chống dịch bệnh, không để gây thiệt hại người nuôi. Đặc biệt, không thả giống nghêu nuôi ở những nơi mực nước cạn, có thời gian phơi bãi từ 3 đến 4 giờ trở lên mỗi ngày hoặc ở những nơi quá gần cửa sông...