Một số địa phương của tỉnh cũng đã xuất hiện tình trạng trồng vượt quá quy hoạch, gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Quan trọng hơn, về lâu dài, có thể sẽ xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu gây giảm giá trị cho ngành hàng sầu riêng và thiệt hại cho người nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nông dân không ồ ạt phát triển các diện tích sầu riêng ngoài quy hoạch.
Giá trị cao từ sầu riêng
Đăk Hà là địa phương phát triển cây ăn quả chủ lực của tỉnh Kon Tum; trong đó có cây sầu riêng. Theo ông Đặng Thế Quyết, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, tính đến giữa năm 2024, diện tích sầu riêng của toàn huyện là hơn 560 ha; diện tích cho thu hoạch là 159 ha, năng suất 152,2 tạ/ha, sản lượng 2.420 tấn.
“Nhìn chung cây sầu riêng phát triển thích hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai thổ nhưỡng của địa phương; cây được trồng nhiều trên địa bàn từ năm 2017 đến nay. Về hiệu quả kinh tế, trước mắt, so với các loại cây trồng khác, sầu riêng mang lại giá trị cao hơn; bình quân thu nhập trên 1 - 1,3 tỷ đồng/ha; thu nhập sau khi trừ chi phí đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha”, ông Quyết nói.
Vườn sầu riêng 7 ha của gia đình ông Võ Thành Công, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà có khoảng 2 ha đang cho thu hoạch năm thứ hai, số còn lại mới trồng được khoảng 2 – 3 năm. Trên diện tích đang thu hoạch, ông Công có được khoản lợi nhuận từ 300 – 350 triệu đồng/ha, vì sầu riêng vẫn ở giai đoạn thu bói. Nếu chính vụ, lợi nhuận từ sầu riêng có thể tăng gấp đôi, nếu giá thành của loại nông sản này duy trì được ở mức như hiện nay, khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg thu tại vườn.
Thành phố Kon Tum hiện cũng đang có hơn 400 ha sầu riêng; trong đó có khoảng 127 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các khu vực phù hợp với loại cây trồng này như các xã Ia Chim, Đăk Năng, Hòa Bình.
Vườn sầu riêng gần 1 ha của gia đình ông Lê Viết Cường, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cũng đã cho thu hoạch xong. Ước tính diện tích sầu riêng này mang về cho gia đình ông Cường khoản lợi nhuận 450 – 500 triệu đồng/ha. Với mức lợi nhuận này, sầu riêng đang mang lại giá trị cao hơn rất nhiều lần cho người nông dân so với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu hay cao su.
Ông Bùi Đức Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, so với các loại cây trồng khác, cây sầu riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, mỗi ha sầu riêng vào thời kỳ thu hoạch ổn định mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. Việc giá sầu riêng tăng cao là do mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt kể từ khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Khuyến cáo không ồ ạt mở rộng
Dù giá trị của sầu riêng mang lại ở thời điểm hiện tại là rất lớn, song ông Bùi Đức Trung cho rằng, người nông dân không nên ồ ạt mở rộng, phát triển diện tích sầu riêng, vượt quá quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, khi cung vượt quá cầu, không loại trừ khả năng sầu riêng sẽ rớt giá, gây thiệt hại cho người nông dân.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều địa phương tại Kon Tum đã xuất hiện tình trạng phát triển vượt quá quy hoạch. Đơn cử, thành phố Kon Tum được giao phát triển 60 ha sầu riêng trong năm 2024, song đến nay đã đạt khoảng 65 – 67 ha. Còn tại huyện Đăk Hà, dù quy hoạch là khoảng 500 ha sầu riêng, nhưng đến nay, diện tích loại cây trồng này đã lên tới hơn 560 ha. Diện tích sầu riêng trồng mới của tỉnh Kon Tum cũng chiếm tỷ lệ rất lớn, khi chỉ có hơn 900 ha đang cho thu hoạch, tức chỉ khoảng 30% tổng diện tích sầu riêng của tỉnh.
“Tôi thấy rất lo lắng, không biết sau này đi đâu về đâu vì số lượng tăng quá nhanh. Tới đây, tôi dự kiến sẽ tỉa bớt sầu riêng trong vườn, để trồng xen cà phê vào để lấy cây này bù đắp cây kia nếu bị rớt giá do thừa nguồn cung”, ông Võ Thành Công, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà nói.
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cũng nhận định, dù giá sầu riêng vừa qua tăng cao, giúp người trồng có được khoản lợi nhuận lớn, song chính quyền thành phố nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng cũng khuyến cáo người dân không phát triển nóng, tránh phát triển tại các vùng không thực sự thuận lợi với loại cây này. Thành phố cũng chủ trương tập trung phát triển sầu riêng tại các khu vực thuận lợi, có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt cho người nông dân.
Bên cạnh nguy cơ thừa nguồn cung, việc sầu riêng “được giá” cũng gây ra một số vấn đề phát sinh liên quan đến việc thu mua.
Theo ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, qua theo dõi tại một số địa phương, việc tổ chức thu mua thông qua thương lái cũng đã phát sinh nhiều vấn đề như hiện tượng bỏ cọc của thương lái do giá cả thị trường, người dân không được thu mua kịp thời dẫn tới tình trạng sầu riêng tới kỳ thu hoạch nhưng chưa được thu hoạch khiến giá trị giảm sút. Cá biệt có một số trường hợp bị thương lái ép giá, buộc phải bán với giá thấp.
“Thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu; đồng thời khuyến cáo người dân, đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng thực hiện tốt việc quản lý mã số. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, các đơn vị, người dân cần chú ý tư cách pháp nhân của các đối tác, không nên ký kết với các thương lái không có tư cách pháp nhân rõ ràng”, ông Nam nói.
Có chung nhận định, ông Bùi Đức Trung phân tích, trong thời gian qua việc thu mua sầu riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu là thông qua các thương lái, sau đó tập kết hàng và bán lại cho các doanh nghiệp ở các tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk,.. Việc mua bán này đã làm thiệt hại một phần chi phí cho người sản xuất, vì giá thu mua của thương lái thường thấp hơn giá thu mua của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro như bỏ tiền cọc khi giá sầu riêng giảm, không điều chỉnh mức giá cố định khi giá tăng; nguy cơ xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
“Trên cơ sở Đề án Phát triển cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị hướng dẫn, đôn đốc rà soát lại diện tích sầu riêng, phân loại diện tích trồng xen, trồng thuần, từ đó hỗ trợ hình thành vùng chuyên canh tập trung hàng hóa, hỗ trợ sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn; thiết lập mã số vùng trồng, mã số số cơ sở đóng gói phù hợp với quy mô, đảm bảo truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, tiếp tục hình thành và nâng cao hiệu quả hoạt động chuỗi liên kết sản xuất gắn sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả”, ông Bùi Đức Trung nhấn mạnh.