Kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu

Bài 1: Thức ăn cho tôm chưa được kiểm soát


Trong thời gian qua, các thị trường châu Âu và Nhật Bản liên tiếp cảnh báo về tình trạng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam có hàm lượng kháng sinh Oxytetracycline vượt mức cho phép. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín mặt hàng tôm - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta.

 

Bài 1: Thức ăn cho tôm chưa được kiểm soát

 

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kháng sinh Oxytetracycline không phải là chất cấm. Loại kháng sinh này được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nhưng phải nằm trong ngưỡng cho phép.


Trôi nổi thức ăn cho tôm


Việc kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản và quy trình nuôi tôm không đảm bảo là nguyên nhân khiến cho hàm lượng kháng sinh Oxytetracycline trong tôm của Việt Nam vượt mức cho phép.

 

Nông dân huyện Cái Nước, Cà Mau thu hoạch tôm thẻ chân trắng.
Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN


Ông Tám Tỵ, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) có thâm niên 15 năm nuôi tôm cho biết, việc kiểm soát các chất trong thức ăn cho tôm thuộc về trách nhiệm của các nhà máy, các đại lý bán thức ăn và các cơ quan quản lý nhà nước. Người dân chỉ biết ra các cửa hàng, đại lý mua thức ăn về nuôi tôm. Người nuôi tôm không thể biết trong đó có chất gì.


“Thực tế, trên bao bì đựng thức ăn có ghi các thành phần nhưng người dân không đủ kiến thức để xác định thức ăn đó có hàm lượng kháng sinh bao nhiêu là vừa. Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật cũng chỉ chủ yếu hướng dẫn người dân phòng bệnh cho tôm, chứ ít khi định hướng người dân sử dụng loại thức ăn nào để đảm bảo chất lượng tôm nuôi”, ông Tám Tỵ cho biết.


“Tôi thường mua thức ăn ở cửa hàng MN. Họ bảo loại nào tốt thì tôi mua loại đó. Chúng tôi không biết loại thức ăn nuôi tôm mà chúng tôi mua có kháng sinh hay không”, anh Nhơn, một hộ nuôi tôm ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết.


“Chúng tôi nuôi tôm nhiều năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy các cơ quan chức năng cảnh báo về dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép”, anh Nhơn cho biết thêm.


Theo những hộ nuôi tôm ở xã Phú Hưng, Cái Nước, họ không trích tạp chất vào tôm, nhưng sau khi bán cho thương lái thì có hiện tượng đó, một số thương lái trích tạp chất vào tôm. “Tôi thấy lâu lâu lại có người bị bắt trích tạp chất vào tôm. Đây có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng tôm xuất khẩu”, ông Tám Tỵ cho biết.


Bên cạnh thông tin về thị trường xuất khẩu có thể bị thu hẹp do thuế bán phá giá và tôm có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, thông tin về dịch bệnh trên tôm có thể xảy ra trong thời gian tới đang khiến nhiều hộ nuôi tôm thu hoạch sớm. “Do nhiều hộ thu hoạch sớm nên xuất hiện tình trạng tư thương ép giá người nuôi”, anh Nhơn cho biết thêm.


Tại Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, giảm 15% so với những tháng cuối năm 2013. Tôm sú có giá từ 250.000- 300.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với cuối năm 2013.


Liên tục bị cảnh báo


Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD - Bộ NN&PTNT), trong 4 tháng đầu năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã cảnh báo 11 lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam do bị phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép.


Với thị trường Nhật Bản, mức giới hạn tối đa cho phép đối với Oxytetracycline được áp dụng là 0,2ppm (một phần triệu). Từ ngày 14/3/2014, nước này áp dụng chế độ kiểm tra Oxytetracycline đối với toàn bộ lô hàng tôm nuôi của Việt Nam do phát hiện dư lượng chất này trong 2 lô hàng. Đến nay, đã có thêm 4 lô hàng tôm nuôi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline, nâng tổng số lô bị cảnh báo lên 6 lô hàng (mức phát hiện từ 0,3 - 2,1ppm).


Với thị trường EU, từ đầu năm 2014 đến nay, 5 lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam đã bị cảnh báo, tăng 2,5 lần so với cả năm 2013.


Theo bà Trần Bích Nga, Phó Cục trưởng NAFIQAD, tôm nuôi của Việt Nam bị cảnh báo Oxytetracycline ở cả hai thị trường xuất khẩu lớn cho thấy có tình trạng lạm dụng kháng sinh này trong quá trình nuôi và người nuôi tôm không tuân thủ việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch.


NAFIQAD cho biết, để kiểm soát chặt chẽ dư lượng Oxytetracycline đối với lô hàng tôm nuôi, Cục đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản thuộc các sở NN&PTNT hướng dẫn cơ sở nuôi thủy sản sử dụng đúng cách các loại hóa chất, kháng sinh và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Theo bà Nga, với các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo, Cục điều tra nguyên nhân và yêu cầu cơ sở đó có biện pháp khắc phục.


Bên cạnh đó, NAFIQAD cũng đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vận động các doanh nghiệp hội viên thực hiện nghiêm túc các hoạt động nhằm kiểm soát hàm lượng Oxytetracycline trong quá trình sản xuất tôm nuôi phục vụ xuất khẩu

 

H.V

Bài cuối: Nuôi tôm theo chuỗi khép kín

Kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu - Bài cuối
Kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu - Bài cuối

EU và Nhật Bản liên tiếp cảnh báo về tình trạng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam có hàm lượng kháng sinh Oxytetracycline vượt mức cho phép. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN