Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, tổng đàn lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là hơn 49.000 con, tổng trọng lượng hơn 3.000 tấn. Theo đó, huyện Tân Hiệp là địa phương đầu tiên của Kiên Giang bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng đàn lợn bị tiêu hủy là hơn 12.000 con với tổng trọng lượng gần 830 tấn. Sau dịch tả, các hộ chăn nuôi ở huyện Tân Hiệp đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước theo quy định với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Ông Bùi Quốc Duy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp cho biết, ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, ngành nông nghiệp huyện đã tập trung giám sát tiêu độc khử trùng môi trường, có kế hoạch triển khai hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tái đàn. Hiện số lượng lợn được tái đàn toàn huyện là hơn 1.200 con. Việc tái đàn đang gặp thuận lợi là giá cả lợn sau khi hết dịch có chiều hướng gia tăng và mang lại lợi nhuận cho người dân.
Gia đình bà Phạm Thị Nụ, trú tại khu phố Đông Hưng, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp có đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi vào tháng 5/2019 và phải tiêu hủy gần 30 con với hơn 1.500 kg. Sau thời gian tiêu hủy lợn, bà Nụ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước là hơn 30 triệu đồng. Gia đình bà Nụ đã gắn bó với nghề nuôi lợn hơn 30 năm qua và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Được sự hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, đầu năm 2020, gia đình bà Nụ bắt tay vào việc tái đàn.
Bà Phạm Thị Nụ chia sẻ, do thua lỗ từ năm trước, cùng với tâm lý lo sợ dịch bệnh, nên bà chưa dám nuôi nhiều. Bên cạnh đó, hiện giá lợn giống rất cao, với hơn 13 triệu đồng/con lợn nái, lợn con giá khoảng 2 - 2,3 triệu đồng/con, trong khi trước đây giá lợn con chỉ khoảng 800.000 đồng/con. Bà Nụ mong muốn tình hình nuôi lợn trở lại như lúc không có dịch để gia đình bà có thể phát triển nhanh chóng đàn lợn, ổn định kinh tế gia đình.
Tại ấp Kinh 9, thị trấn Tân Hiệp, gia đình ông Trương Phước Hai có tổng đàn 13 con lợn nái và hơn 20 con lợn thịt bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi vào tháng 6/2019. Đến cuối tháng 2/2020, ông Hai mới bắt đầu nhập lợn về để tái đàn. Nhờ có kinh nghiệm trong nuôi lợn và chú trọng nhiều đến khâu lựa chọn con giống, chăm sóc, nên đàn lợn của gia đình ông hiện phát triển tốt và sinh sản được hơn 20 con lợn giống.
Huyện Tân Hiệp có ba trang trại nuôi lợn theo hợp đồng công ty, trên 100 trang trại từ trên 50 con và hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình. Đến thời điểm này, có 71 hộ bắt đầu tái sản xuất nhưng số lượng tái đàn giảm hơn 50% so với trước đây do còn nhiều lo ngại về dịch bệnh cũng như giá cả lợn giống còn cao.
Theo ông Bùi Quốc Duy, định hướng của ngành nông nghiệp huyện là tiếp tục hướng dẫn người dân về các biện pháp kỹ thuật tái đàn, yêu cầu phải khai báo, kê khai việc tái đàn cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong quá trình tái đàn, người dân phải có biện pháp cách ly, vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêu độc khử trùng, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.
Hiện ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt, khi mua giống lợn cần tìm đến cơ sở uy tín, lựa chọn nguồn giống có chất lượng. Qua đó, khuyến khích bà con cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học bảo vệ môi trường; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra giá lợn giống, nếu phát hiện có trường hợp tăng giá bất thường hoặc đầu cơ tăng giá sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Kiên Giang hiện đã tái đàn lợn được hơn 30.000 con. Kiên Giang đang hướng dẫn các hộ chăn nuôi chăm sóc quản lý và hỗ trợ xét nghiệm đàn lợn bố mẹ phù hợp để phục cho việc tái đàn lợn trong điều kiện thiếu nguồn giống như hiện nay. Đồng thời, tập trung bảo vệ, chăm sóc đàn lợn hiện có, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, mua bán lợn và sản phẩm lợn, nhất là trên tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia.