Kiểm soát tốt thu thuế hoạt động thương mại điện tử

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai các biện pháp để tiến hành thu thuế hoạt động bán hàng qua mạng xã hội.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho thành phố là làm thế nào để có thể kiểm soát tốt việc thu thuế các hoạt động thương mại điện tử mà vẫn đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân được tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Sôi động kinh doanh qua mạng


Có thể nói, chưa bao giờ việc mua sắm hàng hóa lại dễ dàng như hiện nay, mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ thời trang, thực phẩm cho đến các vật dụng gia đình, sản phẩm công nghệ đều có thể được đáp ứng chỉ qua một vài cú nhấp chuột.

Bên cạnh website bán hàng trực tuyến của các công ty, doanh nghiệp thì thời gian gần đây trào lưu bán hàng qua trang xã hội Facebook của các cá nhân cũng trở nên thịnh hành và trở thành kênh mua sắm quen thuộc với nhiều người tiêu dùng.

Chị Phạm Thị Thanh Nhàn, nhân viên văn phòng cho biết, chị thường xuyên mua hàng qua các website và mạng xã hội, đặc biệt là vật dụng gia đình và đồ dùng cho các con. Theo chị Nhàn, việc mua hàng qua mạng có rất nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian, dễ dàng so sánh về giá cả và có nhiều mặt hàng để lựa chọn. Bên cạnh đó, người mua hàng còn được tư vấn nhiệt tình, chế độ hậu mãi, giảm giá hấp dẫn, được giao hàng tận nơi cùng nhiều hình thức thanh toán linh hoạt…

Không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, kinh doanh qua mạng xã hội cũng đem lại nhiều lợi thế hơn cho người bán so với hình thức kinh doanh cửa hàng.

Chủ một cửa hàng giày dép trẻ em ở quận 9, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, ngày trước muốn kinh doanh chị phải thuê mặt bằng rộng để trưng bày mẫu và có chỗ để hàng, đồng thời phải thuê thêm 3 nhân viên mới kịp phục vụ những dịp đông khách, chi phí mặt bằng và nhân viên khiến giá sản phẩm bị đội lên khá nhiều.

Từ khi lập thêm trang facebook bán hàng online, chị đã chuyển sang thuê một cửa hàng nhỏ hơn nhằm giữ mối và tiện cho khách muốn thử trực tiếp, còn lại thực hiện giao dịch qua mạng.

Hiện nay, cửa hàng chỉ cần 1 nhân viên phụ bán, còn chị vừa quản lý cửa hàng, vừa tư vấn cho khách mua online, khi có đơn hàng thì thuê người giao hàng tận nơi. Nói chung, chi phí bỏ ra giảm đáng kể, nhờ đó giá bán sản phẩm cũng “mềm” hơn và có thể áp dụng các đợt giảm giá để thu hút khách hàng và bán nhanh hơn.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội đang “quên” thực hiện việc kê khai và nộp thuế thu nhập. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách cho Nhà nước mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cá nhân với nhau.

Cần cơ chế phối hợp đồng bộ và minh bạch


Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bất cứ cá nhân, tổ chức nào kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thu thuế kinh doanh qua mạng xã hội vẫn còn là vấn đề mới và nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các doanh nghiệp, cá nhân liên quan. Trong đó, hầu hết đều đặt vấn đề, việc quản lý và thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo minh bạch và công bằng.

Ông Huỳnh Tân Thiện, đại diện Công ty Sài Gòn Nam Phát cho biết, hiện nay, hầu hết công ty, doanh nghiệp đều sử dụng công nghệ thông tin và lập các trang facebook mang tên công ty.

Song, cơ quan thuế cần phân biệt giữa các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thương mại điện tử và doanh nghiệp dùng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội như một phương tiện tương tác với khách hàng tiềm năng thì khi khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm, họ phải liên hệ trực tiếp với công ty và đến tận nơi để kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như làm hợp đồng mua bán, thi công. Mọi hợp đồng phát sinh doanh thu của công ty đều được kê khai thuế theo mã số thuế của công ty.

Do đó, cơ quan thuế không nhất thiết phải tiến hành các hoạt động giám sát doanh thu phát sinh từ facebook, mạng xã hội của những doanh nghiệp này.

Cùng quan điểm, một số doanh nghiệp cho rằng, việc giám sát thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử chỉ nên tập trung vào nhóm đối tượng là cá nhân kinh doanh quần áo, mỹ phẩm số lượng lớn… qua trang facebook cá nhân. Vì thường các cá nhân này kinh doanh tự do, không đăng ký kinh doanh và không có mã số thuế, doanh thu cũng chưa ai kiểm soát được.

Về phần mình, các cá nhân kinh doanh qua facebook phần lớn đều chưa hình dung được cơ chế phối hợp kiểm soát doanh thu của ngành thuế và các cơ quan chức năng là như thế nào.

Chị L.K.N, chuyên kinh doanh các loại mỹ phẩm xách tay và tinh dầu qua facebook đặt câu hỏi, làm thế nào để xác định được doanh thu thật sự của người bán hàng, vì hầu hết khách hàng mua hàng qua mạng đều thanh toán tiền mặt theo kiểu “tiền trao cháo múc”, không có hóa đơn, chứng từ.


Chị N.T.L, một nhân viên văn phòng, kinh doanh thêm phụ kiện và quần áo qua facebook cho rằng, thu thuế của những người kinh doanh qua mạng có doanh thu lớn là hợp lý, và tạo sự công bằng giữa người kinh doanh cửa hàng và kinh doanh qua mạng xã hội. Tuy nhiên, các ngành chức năng phải có cơ chế phối hợp đồng bộ và minh bạch để người kinh doanh yên tâm, không bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.
 
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp sau khi kiểm tra hoạt động giao hàng qua bưu điện của người kinh doanh qua mạng xã hội, cơ quan thuế phát hiện doanh thu thực tế cao hơn rất nhiều so với kê khai nộp thuế của họ.

Theo các chuyên gia, tình trạng trên xuất phát từ hai lý do, thứ nhất những người kinh doanh qua mạng xã hội chưa hiểu hết nghĩa vụ thuế của mình đối với Nhà nước nên chưa kê khai đầy đủ; thứ 2 là chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với những trường hợp cố tình gian lận và trốn thuế từ các hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội.

Hiện nay, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch cụ thể để có cơ chế phối hợp thống nhất giữa cơ quan thuế và các đơn vị liên quan trong việc quản lý việc nộp thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn lớn nhất là làm cách nào để quản lý tốt và kêu gọi được những cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng tự giác kê khai nộp thuế vì hiện vẫn chưa có điều khoản, quy định cụ thể cho việc quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đến nay, việc thu thuế từ hoạt động bán hàng qua mạng xã hội vẫn dựa trên cơ chế động viên các cá nhân, doanh nghiệp tự kê khai giao dịch, thông tin địa chỉ, mã số thuế cá nhân để cơ quan chức năng có cơ sở kiểm soát việc nộp thuế.

Theo bà Lê Thị Thu Hương, nếu chỉ một mình cơ quan thuế vào cuộc thì sẽ rất khó trong việc thu thuế các hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội, facebook, vì cơ quan thuế không có chuyên môn và thẩm quyền về quản lý hệ thống mạng, thông tin truyền thông…

Vì vậy, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đề xuất phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, các nhà mạng và ngân hàng cùng quản lý, giám sát số lượng hàng hóa, doanh thu của người kinh doanh để đối chiếu với việc việc kê khai của người nộp thuế có đúng, đủ hay không.

Về lâu dài, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng có kiến nghị, đề xuất lên cấp trên việc xây dựng các điều khoản cụ thể đối với việc thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội. Đồng thời, hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người kinh doanh thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ, minh bạch.

Xuân Anh (TTXVN)
Zara Việt Nam bán hàng online từ 5/4, tín đồ thời trang hứng thú
Zara Việt Nam bán hàng online từ 5/4, tín đồ thời trang hứng thú

Hãng thời trang Zara thông báo đang hoàn thiện trang web mua hàng online tại thị trường Việt Nam và sẽ chính thức phục vụ khách hàng từ ngày 5/4 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN