Tại nơi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường biểu dương các đơn vị thi công đã tích cực đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa 2 công trình vào sử dụng, đủ điều kiện vận hành phục vụ ứng phó hạn, mặn mùa khô 2019-2020, bảo vệ diện tích sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 2 công trình cống Bông Bót và Tân Dinh đã thực hiện trên 90% khối lượng hợp đồng; dự kiến trong tháng này sẽ đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng khoảng 7 tháng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và khó lường. Năm nay, hạn, mặn đến sớm hơn mọi năm và xâm nhập sâu vào nội đồng, “đe dọa” nhiều diện tích sản xuất của nông dân. Do vậy, cùng với việc thực hiện các giải pháp công trình kiểm soát nước mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các địa phương tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu.
Cống Bông Bót và Tân Dinh là 2 công trình thuộc tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện, từ nguồn vốn ODA, được triển khai từ tháng 7/2018.
Theo đó, tiểu dự án xây dựng các cống Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), Bông Bót và Tân Dinh (tỉnh Trà Vinh) kiểu cống lộ thiên bằng bê tông cốt thép; chiều rộng thông nước B = 40m÷75m; trên cống có cầu giao thông tải trọng HL93; cống có cửa van clape trục dưới đóng mở bằng xi lanh thủy lực.
Mục tiêu của tiểu dự án là kết hợp với các công trình khác trong hệ thống kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho hơn 28.000 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long và huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh; trong đó, huyện Cầu Kè 11.470 ha. Khi đưa vào sử dụng, các cống này sẽ chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi. Tại Trà Vinh, vụ Đông Xuân thường xuyên bị mặn xâm nhập, sản xuất lúa không hiệu quả do thiếu
nước ngọt. Vì vậy, tỉnh cần hỗ trợ nông dân chuyển đổi các loại cây trồng mang tính bền vững. Đơn cử như cây dừa khá thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, có khả năng chịu được độ mặn lên đến 7‰. Đồng thời, đây cũng là cây trồng có chuỗi giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến rất tốt. Cùng với tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh cần tập trung phát triển loại cây này; đặc biệt là cây dừa sáp, có giá trị kinh tế khá cao.