Kiên Giang là một trong những tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ven biển. Theo đó, nhiều địa phương đã tận dụng thế mạnh, phát triển kinh tế ven biển bền vững, mạnh mẽ nhất phải kể đến huyện đảo Kiên Hải và huyện An Biên.
Huyện đảo Kiên Hải được thành lập từ năm 1983, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay kết cấu hạ tầng huyện đảo được đầu tư khá khang trang, nhiều dự án lớn được triển khai, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội cũng có sự tiến triển vượt bậc, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Một hộ gia đình nuôi cá lồng bè tại vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Ông Phan Thanh Sơn, xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải cho biết: Gia đình ông ra đây lập nghiệp gần 36 năm, trước khi thành lập huyện, nơi đây không có điện, đường, trường, trạm và cuộc sống chủ yếu đi ghe lưới đánh bắt hải sản thuê. Nhưng đến nay, nhờ định hướng đúng của huyện, cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ, cùng với việc ưu tiên hỗ trợ vay vốn mua tàu đánh bắt hải sản của Nhà nước, gia đình ông đã có "của ăn của để".
Năm 2013, sản lượng khai thác hải sản huyện Kiên Hải đạt 62.000 tấn, tăng 0,97% so cùng kỳ, giá trị khai thác đạt gần 1.800 tỷ đồng. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì ổn định và có bước phát triển. Đến nay, toàn huyện có 209 hộ nuôi cá lồng bè, với 714 lồng, tăng 34 lồng so với năm trước. Sản lượng nuôi trồng đạt trên 515 tấn hải sản các loại, tăng 14,43% so năm 2012; giá trị sản xuất đạt gần 108 tỷ đồng, tăng 30,80% so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người/năm. Công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Theo ông Trần Thành Thân, Phó Bí thư Huyện ủy Kiên Hải, kinh tế - xã hội của huyện đạt kết quả khá với tốc độ tăng trưởng 10,2%. Hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện là khai thác đánh bắt và nuôi trồng. Một số công trình lớn như đường quanh đảo, ngang đảo Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn; đê bao ngoài tránh, trú bão Hòn Tre; kè đường giao thông ven biển... được đầu tư xây dựng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện đảo một cách bền vững.
Cũng trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, huyện An Biên có diện tích tự nhiên khoảng 43.000 ha, với bờ biển dài 21 km; có 12.735 hộ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Theo ông Lê Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, tiếp thu Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và kế hoạch của Tỉnh ủy Kiên Giang về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, huyện ủy An Biên đã ban hành Nghị quyết và UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tạo hành lang pháp lý để người dân yên tâm đầu tư phát triển.
Theo đó, huyện tập trung khảo sát khu vực ven biển và ven sông Cái Lớn, đánh giá thực trạng đất đai, rừng và bãi bồi ven biển; phương tiện đánh bắt thủy sản, mô hình nuôi trồng thủy sản; đánh giá độ canh tác và khả năng đầu tư nhất là đầu tư bờ bao, ao nuôi, sơ sở vật chất kỹ thuật khác của nông dân, ngư dân… Từ đó, huyện quy hoạch lại các mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp đảm bảo năng suất, chất lượng ngày càng cao.
Đến nay, An Biên đã hình thành nhiều mô hình sản xuất đa dạng về nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm sú, thẻ chân trắng với nhiều loại hình: tôm - lúa, tôm - cua trong ruộng lúa; nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm công nghiệp; nuôi sò, hến vùng mặt nước biển và dưới tán rừng ngập mặn; cá nước ngọt, nước lợ vùng ven biển, ven sông và trong ruộng lúa. Năm 2013, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại trên địa bàn huyện An Biên là 15.522 tấn, đồng thời năng suất lúa trên nền đất tôm cũng tăng lên đáng kể, từ 4,29 tấn/ha năm 2007, lên 5,40 tấn/ha năm 2013.
Ngoài ra, An Biên còn quy hoạch trồng và quản lý rừng phòng hộ ven biển 991 ha, trong đó bố trí nuôi sò xen với tôm - cua dưới tán rừng phòng hộ 500 ha. Ngoài phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện An Biên cũng đã hình thành các cơ sở chế biến bột cá, thức ăn gia súc, sản xuất nước đá, thu mua nông, thủy sản và các dịch vụ nhân, ươm, cung ứng giống phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Cùng với công tác quy hoạch và bố trí lại sản xuất, việc đầu tư xây dựng hạ tầng cũng được quan tâm nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước, viễn thông, trường học… Ông Lê Văn Hai cho biết: Để phát triển kinh tế ven biển của huyện bền vững, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư, huyện tranh thủ nguồn vốn ngân sách địa phương và đóng góp của dân tập trung nạo vét hệ thống kênh mương khu vực các xã ven biển, tạo thành hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ven biển.
Lê Sen