Kiên Giang: Tập trung ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn

Hiện nay, đang ở giai đoạn cao điểm mùa khô 2022 - 2023, tỉnh Kiên Giang tập trung các giải pháp ứng phó, phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, chủ động đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Công trình cống thủy lợi Kênh Nhánh, TP Rạch Giá (ảnh tư liệu).

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Đoàn Chí Tâm cho biết, Chi cục phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời thông báo diễn biến xâm nhập mặn, mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân dân biết để chủ động ứng phó trong sản xuất và sinh hoạt.

Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ độ mặn tại khu vực thượng lưu - hạ lưu các cống trên địa bàn huyện U Minh Thượng, phối hợp cùng địa phương vận hành đóng - mở các cống phù hợp, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và bơm nước vào lâm phần rừng tràm U Minh Thượng phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô.

Mặt khác, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang chủ động vận hành có hiệu quả các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé và cống Xẻo Rô đảm bảo nguồn nước an toàn cho sản xuất.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đề nghị huyện Hòn Đất tăng cường theo dõi lấy nước mặn nuôi tôm vùng Nam quốc lộ 80 để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp xả mặn ra kênh, rạch gây nhiễm mặn. Tiếp đến, yêu cầu huyện Châu Thành theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn tại Vàm Bà Lịch dẫn vào kênh ông Hiển để kịp thời ứng phó.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đề nghị huyện U Minh Thượng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tổ chức sản xuất đúng quy hoạch, kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân trong khu vực bị nhiễm mặn biết, chủ động sản xuất, không lấy nước từ các kênh bị nhiễm mặn để dự trữ tưới. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, triển khai đắp đập tạm để khoanh vùng nhiễm mặn, điều tiết nước ngọt đảm bảo sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, từ đầu mùa khô 2022 - 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại do hạn mặn gây ra. Vụ Mùa 2022 - 2023, tỉnh gieo trồng khoảng .500 ha đã thu hoạch dứt điểm 100% diện tích.

Đối với vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023, đến nay, thả nuôi 118.666 ha, đạt 86,35% kế hoạch, với các loại hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến và tôm - lúa.
Triển khai phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn từ đầu mùa khô đến nay, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang quản lý, vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn tỉnh để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ cho sản xuất vụ Mùa và Đông Xuân 2022 - 2023.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn triển khai đắp mới và gia cố 37/117 đập đất trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Giang Thành và lưu 1 đập cừ thép Larsen trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên (từ mùa khô 2020 - 2021 đến nay) tại xã Hòa Điền (Kiên Lương) để ngăn mặn theo thời vụ, bảo vệ lúa trong vụ Mùa và Đông Xuân 2022 - 2023.

Ngoài ra, nước sinh hoạt đô thị và nước sinh hoạt nông thôn, hiện nay, tình hình nguồn nước cung cấp đầu vào cho các nhà máy nước, các trạm cấp nước và hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các địa phương hoàn thành lập danh sách các hộ dân cần phải hỗ trợ bồn chứa nước (1 m3/bồn), khảo sát thiết kế mở rộng tuyến ống tại các trạm cấp nước tập trung để cấp phát bồn nước và thi công mở rộng tuyến ống, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Bến Tre khẩn trương ứng phó với xâm nhập mặn diễn biến phức tạp
Bến Tre khẩn trương ứng phó với xâm nhập mặn diễn biến phức tạp

Xâm nhập mặn trên các tuyến sông chính ở Bến Tre đang tăng cao và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN