Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam, trong du lịch, có ba hoạt động cơ bản là inbound (đón và phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam), outbound (phục vụ người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) và du lịch nội địa (domestic tourism). Dưới sự ủng hộ của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong hai năm qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều đợt kích cầu du lịch để đẩy phát triển nhanh du lịch nội địa. Kết quả cho thấy du lịch nội địa đã vươn lên trở thành động lực chính của ngành du lịch trong hai năm qua và vẫn sẽ là chỗ dựa quan trọng trong những năm tới của Du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, do chỉ chiếm khoảng 35% doanh thu của toàn ngành du lịch nên du lịch nội địa không thể thay thế du lịch quốc tế. Vì vậy, việc nhanh chóng thu hút khách quốc tế, đẩy nhanh việc khôi phục du lịch quốc tế vẫn là công việc quan trọng nhất của ngành du lịch hiện nay. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngành Du lịch Việt Nam đã tổ chức thí điểm đón khách quốc tế theo Hướng dẫn 4122/HD-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 05/11/2021. Kết quả triển khai Chương trình thí điểm trong hai tháng 11 và tháng 12/2021 đã đón được khoảng 8.500 khách.
Nguyên nhân cơ bản của kết quả rất khiêm tốn này là do chính sách cách ly y tế đối với khách du lịch quốc tế chưa thông thoáng, rõ ràng, chưa thống nhất trong cả nước, mỗi địa phương có thể quy định khác nhau. Khách lo lắng có sự phân biệt đối xử giữa khách quốc tế và khách nội địa trong phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, chính sách visa cho khách vào Việt Nam không thông thoáng như trước năm 2020. Hầu hết khách vào Việt Nam trong thời gian này là người Việt Nam hoặc khách từ các nước Việt Nam đã miễn visa hàng chục năm. “Nay họ rất khó hiểu khi phải xin duyệt, cấp visa với nhiều thủ tục phức tạp. Trong khi các nước xung quanh Việt Nam đều đưa các quy định đơn giản, thông thoáng hơn ta để thu hút khách, thì Việt Nam với các quy định hiện nay sẽ càng khó khăn hơn trong việc thu hút khách du lịch”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết.
Trước tình hình đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang gấp rút chuẩn bị nhanh chóng cho giai đoạn khôi phục đưa du lịch trở lại vị trí của một ngành kinh tế hầng đầu thế giới, du lịch Việt Nam cần thiết phải đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa các chính sách thông thoáng, cởi mở, thể hiện sự an toàn và mạnh mẽ của chế đội xã hội ưu việt của Việt Nam, đồng thời tăng cường chất lượng dịch vụ và ứng xử văn minh với khách du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa, nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.
Với trách nhiệm là tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp của trên 40.000 doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị với chính sách visa đối với khách du lịch quốc tế, Thủ tướng cho phép khôi phục lại các chính sách về visa cho khách du lịch mà Việt Nam đã thực hiện từ trước năm 2020. Đặc biệt đối với các nước là thị trường nguồn chủ yếu của Du lịch Việt Nam trước năm 2020 như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và 4 nước Bắc Âu. Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho khách du lịch từ các quốc gia này thì nay Việt Nam không nên thay đổi. Nếu Việt Nam không tiếp tục miễn visa đơn phương cho công dân các nước này đi du lịch Việt Nam sẽ tạo ra một luồng thông tin trái chiều, ảnh hưởng không chỉ đến du lịch mà còn đến các ngành, các lĩnh vực khác. Tùy theo điều thực tế, nếu Chính phủ cho phép miễn visa du lịch cho công dân một số quốc gia khác như Mỹ, Canada, Australia... thì chắc chắn lượng khách sẽ tăng rất nhanh.
Về phòng chống dịch COVID-19, hiện nay, các nước trên thế giới cơ bản đều quy định điều kiện phòng chống dịch COVID-19 khi nhập cảnh cho khách là giống nhau như: Khách tiêm đủ liều vaccine (hoặc khỏi dịch COVID-19 trong 6 tháng); Khách có kết quả âm tính khi thử PCR trong thời gian 72 giờ trước khi lên máy bay. Với hai điều kiện này, khách có thể di chuyển tùy ý đến các điểm du lịch an toàn của các quốc gia. Để thu hút khách du lịch, Việt Nam cũng cần thực hiện thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế yêu cầu cả nước thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ, không tự quy định cách ly những người có đủ điểu kiện di chuyển. Thông tin này cần được truyền thông rộng rãi trong nước và ngoài nước để thế giới hiểu đúng về công cuộc phòng 3 chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, tránh những quy định trái chiều từ một vài địa phương làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước, làm mất đi thiện cảm của khách đối với Việt Nam.
Về quy định khách phải có kết quả âm tính khi thử PCR trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam là không thực tế, không giống các nước trên thế giới và làm khó cho khách du lịch. Trong trường hợp khách du lịch phải bay theo lộ trình 2- 3 ngày mới đến Việt Nam, việc thử PCR để có kết quả âm tính trước khi nhập cảnh là điều không thể thực hiện được. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị nên quy định khách chỉ cần có kết quả âm tính khi thử PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay là đủ.
Về quy định khách vào Việt Nam phải đi theo tour trọn gói, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, khách có đủ điều kiện về phòng dịch COVID-19 có thể đi lẻ, đi theo nhóm nhỏ (theo xu thế toàn cầu hiện nay). Vì vậy, việc quy định khách vào Việt Nam phải đi theo các chương trình trọn gói, do các công ty lữ hành phục vụ, là không phủ hợp.
Về thời gian mở cửa đón khách quốc tế, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thời điểm mở cửa đón khách quốc tế không cần quy định là từ ngày 1/2; 1/3 hay 1/ 5 mà cần hiểu là sẽ bắt đầu từ khi Thủ tướng ban hành việc khôi phục chính sách visa như giai đoạn trước năm 2020 và ban hành các quy định mới, rõ ràng và thống nhất cả nước về phòng chống dịch COVID-19 trong đó xác định không cách ly đối với khách có đủ điều kiện nhập cảnh. Tùy theo năng lực của mình, các doanh nghiệp và địa phương sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón và phục vụ khách vào thời điểm thích hợp.