Theo số liệu từ Sở Công Thương, hiện tại, toàn tỉnh Đồng Tháp có 20 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, gạo xuất khẩu sang 29 thị trường, trong đó thị trường châu Á chiếm tỷ lệ khoảng 90%, châu Đại Dương là 7%, còn lại là các châu lục khác.
Để có lượng gạo chất lượng xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, hạt tròn, giống có thời gian sinh tưởng từ 90 – 105 ngày, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh. Đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá. Đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu tỉnh ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ cấu giống dịch chuyển sang nhóm lúa chất lượng cao xuất khẩu. Cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25. Tỷ lệ nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm 69,6%.
Tỉnh Đồng Tháp có diện tích sản xuất lúa mỗi năm dao động từ 480.000 - 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Đồng Tháp định hướng phát triển ngành hàng gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh tỉnh đã cấp 431 mã số vùng trồng lúa với tổng diện tích hơn 65 nghìn ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 6.600 ha; diện tích được chứng nhận VietGAP hơn 4.000 ha.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, sản phẩm gạo của công ty đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines… và một số nước ở châu Âu. Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính cho biết, năm 2022 công ty xuất khẩu gạo đạt gần 1.300 tỷ đồng. Năm 2023, công ty đặt ra mục tiêu cung ứng và xuất khẩu gạo là 1.600 tỷ đồng.
Để có lúa chất lượng cao xuất khẩu, theo ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, huyện có mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) ở xã Phú Thành B. có 06 hộ tham gia sản xuất 50 ha giống Zasmine 85, có liên kết cung cấp vật tư, lúa giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Lộc trời. Phương thức liên kết, khi thu mua mỗi kg lúa đạt tiêu chuẩn SRP theo giá thị trường Tập đoàn cộng thêm 800 đồng… trung bình vụ Đông Xuân nông dân thu lãi 32 triệu đồng/ha.
Thông tin từ Sở Công Thương, trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao, dẫn đến việc thị trường xuất khẩu gạo của Đồng Tháp có nhiều thuận lợi, khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán tăng mạnh. Khi giá gạo thế giới tăng nhanh cũng thúc đẩy giá lúa gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, điều này gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác trước đó.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo tỉnh Đồng Tháp chủ yếu vào thị trường châu Á chiếm hơn 90%. Trước tình hình giá gạo tăng, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Đồng Tháp tham gia các sự kiện kết nối thị trường châu Âu, đặc biệt là mặt hàng gạo để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường.
Hiện nay, việc tiêu thụ lúa chất lượng cao vụ Thu Đông tại Đồng Tháp bán tại ruộng với giá 8.000 – 8.400 đồng/kg, cao hơn gần 2.000 đồng/kg so với năm 2022.