“Việt Nam tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; tập trung triển khai thực hiện Đề án 06”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết.
Theo ông Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ - các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tại phiên họp Chính phủ sáng 2/3: Kinh tế xã hội của Việt Nam trong tháng 2/2024 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%); tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng ,7%.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2024 đạt 50,4 điểm (tháng 1/2024 đạt 50,3 điểm), thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD; Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 2 tháng đầu năm ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 912.000 tấn, kim ngạch 639 triệu USD); bảo đảm được cân đối cung cầu lao động.
Từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn đầu tư công đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (6,97%). Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 4,29 tỷ USD, tăng ,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Trong 2 tháng đầu năm có trên 22.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41.000 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành và triển vọng của kinh tế Việt Nam, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báoViệt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới", ông Trần Văn Sơn cho biết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu lên những hạn chế, khó khăn, thách thức như: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao; tình hình sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn; khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản từng bước được xử lý, nhưng còn chậm; nợ xấu có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng còn cao; an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm, nhưng tại một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…
Tại họp báo Chính phủ chiều 2/3, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành là: Thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Cụ thể: Về đầu tư, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư toàn xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI.
Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các FTA; về tiêu dùng, đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
"Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật; thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế xã hội; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đề án 06 và các cơ sở dữ liệu quốc gia; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Hydrogen", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết.