Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,5%; trong bối cảnh thế giới và trong nước khó khăn nhiều hơn thuận lợi đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt hơn nữa của toàn hệ thống chính trị.
Phục hồi mạnh mẽ
Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%. Như vậy, cả 3 khu vực đều tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Thu hút FDI tiếp tục khởi sắc với số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 1.5 dự án được cấp phép, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 46,9%. Khu vực nông nghiệp mặc dù chịu sự biến động thị trường, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam nhưng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, nền kinh tế đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Kết quả này đã phản ánh kết quả Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.
Có thể thấy, xu hướng tăng trưởng tích cực bắt đầu từ quý I/2024. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khi đánh giá về kết quả tình hình tế quý I năm 2024 cũng đã chỉ rõ, trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực rất lớn, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023.
Trong giai đoạn này, trước ảnh hưởng khốc liệt hậu đại dịch COVID-19, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường do các xung đột chính trị Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời linh hoạt bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Nhờ đó, trong quý I, các chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch, đầu tư, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… tích cực hơn qua từng tháng.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro; tỷ giá, áp lực lạm phát có xu hướng tăng. Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm cần phải đạt mức tăng trưởng rất cao.
Xác định nhiệm vụ nặng nề này, tại Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được; nhưng cũng không bi quan, lo sợ nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức hơn.
Chính phủ đã quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành với “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh” kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; giữ vững bản lĩnh, kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Với những quyết tâm trên, tăng trưởng kinh tế quý II/2024 đạt 6,93%. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước…
Tăng cường năng lực nội sinh
Sáng 29/6, trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với 404/469 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Một trong những nội dung được cử tri và người dân cả nước quan tâm là các luật liên quan thị trường bất động sản và khơi thông nguồn vốn sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024, thay vì đầu năm 2025 như kỳ họp trước đó đã thông qua. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ sự hy vọng các bộ luật sẽ tạo động lực cho nhà đầu tư, hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ bớt khó khăn, thị trường sôi động hơn, thay vì trầm lắng như hiện nay.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Đại Liên) tại Đại Liên- Trung Quốc diễn ra những ngày cuối cùng của tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam về Đổi mới, hội nhập và phát triển, khẳng định Việt Nam tiếp tục lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng và có chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và tình hình, xu thế thế giới.
Cụ thể, Việt Nam tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, với các lĩnh vực ưu tiên là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Trong đó, một giải pháp quan trọng là huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho tăng trưởng và phát triển.
Và thực tế, theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay trong khoản vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 khoảng 27.000 tỷ đồng, Chính phủ đã đề xuất dành khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng; đồng thời chỉ đạo nghiên cứu để phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia.
Cũng trong ngày cuối cùng của quý II/2024, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công Dự án đường dây 500 kV mạch 3 cung đoạn Thanh Hóa – Nam Định, đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để trong tháng 7/2024 sẽ nghiệm thu cấp chủ đầu tư, nghiệm thu nhà nước, hoàn nguyên môi trường và khánh thành toàn bộ Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.
Trong suốt thời kỳ ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, các tác động của căng thẳng địa chính trị trên thế giới, Việt Nam vẫn tự lực tự cường vượt qua thách thức bằng sức mạnh nội sinh. Khu vực doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh, sự dẻo dai, bền bỉ cùng sự hỗ trợ thiết thực, nhất quán của toàn hệ thống chính trị thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ Tài chính cũng vừa ban hành thông tư quy định từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2024, sẽ giảm thu một số khoản phí, lệ phí. Đây là một trong số nhiều chính sách tài khóa Bộ Tài chính quyết liệt thực hiện trong suốt 4 năm qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩmô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Với vai trò là cơ quan tham mưu Chính phủ trong hoạch định chính sách, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc tế Nguyễn Đức Tâm cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công; rà soát tổng thể vướng mắc trong các quy định pháp luật, nhất là về phân cấp, phân quyền để trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ. Đồng thời tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và các dự án giao thông đường bộ, để trình cấp có thẩm quyền mở rộng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai tại một số địa phương để xem xét, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng tại các địa phương khác.
Theo ông Tâm, việc triển khai hiệu quả các chính sách này kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng bày tỏ về khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 6-6,5% nếu tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; đồng thời, tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử...
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng…, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu, đồng thời gia tăng được nội lực của nền kinh tế.
Đối với khai thác các động lực tăng trưởng mới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới về công nghệ thông tin, kinh tế số đã có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển rất mạnh về kinh tế số. Để có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, về lâu dài cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại những kỹ sư đã có kiến thức nền tảng để có thể tiếp cận, tham gia ngay vào thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Phó Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, bằng cơ chế chính sách phù hợp Việt Nam có thể huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đang làm việc trong ngành bán dẫn.
Đánh giá về vai trò của các chính sách tới nền kinh tế, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận: “Chúng ta không cần nhiều chính sách nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì”.