Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, ông Pardede cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã suy giảm trong 2 quý liên tiếp, là dấu hiệu cho thấy kinh tế bắt đầu suy thoái. Một số yếu tố cấu thành nền kinh tế như tiêu dùng đã giảm, lạm phát tăng tới mức cao nhất trong 40 năm. Nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới sẽ cao hơn nhiều trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cùng tăng khiến tiêu dùng và đầu tư giảm.
Theo nhà kinh tế này, một cú sốc xảy ra với nền kinh tế Mỹ cũng sẽ khiến kinh tế toàn cầu chững lại và trao đổi thương mại toàn cầu giảm. Khi đó, xuất khẩu của Indonesia và các nước đang phát triển cũng sẽ giảm vì Mỹ là đối tác thương mại chính của những nước này. Do đó, các nước đang phát triển, trong đó có Indonesia, nên giảm thiểu hoặc tránh bị ảnh hưởng nặng nề bằng cách tìm thêm các đối tác thương mại, củng cố những nền tảng kinh tế nội địa và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, nhà kinh tế trưởng của Permata cũng cảnh báo khi kinh tế Mỹ suy thoái, tâm lý e ngại rủi ro cũng sẽ tăng cao dẫn tới tình trạng rút vốn từ các thị trường tài chính, đặc biệt là trái phiếu. Ông dẫn chứng khối lượng sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ của Indonesia đã giảm khoảng 7,8 tỷ USD nên về cơ bản, điều này khiến đồng nội tệ rupiah yếu đi so với đồng USD. Do đó, các chính phủ và các ngân hàng trung ương ở những nước đang phát triển cần thực hiện các biện pháp để ổn định tỷ giá.