Quang cảnh thủ đô Doha, Qatar. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, từ đầu tháng 6/2017, nhóm bốn nước Arập do Saudi Arabia đứng đầu đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Doha với cáo buộc quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực. Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Oxford Economics mới đây đã hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế Qatar trong năm 2017 xuống còn 1,4%, thấp hơn mức ước tăng 3,4% đưa ra trước khi xảy ra khủng hoảng vùng Vịnh. Ngoài ra, Oxford Economics cũng điều chỉnh nâng dự đoán lạm phát của Qatar trong năm 2017 từ 1,5% lên 1,8% do chi phí nhập khẩu gia tăng.
Cả ba công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch, Moody's và Standard & Poor's đều hạ mức xếp hạng tín nhiệm đối với Qatar. Tuy vậy, các nhà phân tích tin tưởng Qatar, nước sở hữu trữ lượng dầu khí lớn thứ ba thế giới sau Nga và Iran, sẽ đứng vững trước một khủng hoảng kéo dài. Nhà phân tích Andreas Krieg nhận xét Qatar là nền kinh tế có khả năng hồi phục tốt nhất ở khu vực Trung Đông.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Qatar có 2,6 triệu dân, là nước giàu nhất thế giới xét về Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người. Ngoài ra, Qatar có quỹ quốc gia trị giá 330 tỷ USD và đầu tư nhiều vào các tài sản ở nước ngoài.