Trong bài viết, tác giả cho biết kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2019, vượt mục tiêu mà chính phủ đề ra, trong bối cảnh bất đồng thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gây tác động tiêu cực tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 27/12, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2019 đạt 7,02%, vượt chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,6% đến 6,8% mà Quốc hội giao. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 8,1% (kế hoạch là 7-8%), đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 517 tỷ USD.
Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua vẫn duy trì đà giảm dần đều, từ mức 21% trong năm 2017 xuống 8% trong năm qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng số liệu này phản ánh thực tế rằng kinh tế Việt Nam vẫn không tránh khỏi tác động của những cú sốc từ bên ngoài.
Một số ý kiến còn cho rằng những kết quả trong ngắn hạn mà những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam đạt được có thể sẽ không bền vững nếu tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á trong một thập kỷ qua. Tăng trưởng GDP của kinh tế Việt Nam chủ yếu nhờ xuất khẩu hàng may mặc, giầy dép cũng như các sản phẩm công nghệ cao.
Hồi đầu năm nay, Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), hứa hẹn xóa bỏ nhiều rào cản thuế quan và tạo điều kiện để mở cửa thị trường tối đa cho nhau. Chuyên gia Michael McAdoo (Mai-cơn Mắc A-đu) thuộc Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ) nhận định thỏa thuận trên sẽ tạo ra một "môi trường tốt cho thương mại và đầu tư".