Mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC đã đầu tư 75 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) dưới dạng khoản vay có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của SeABank trong vòng 5 năm. Đồng thời, đã giải ngân cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương 3.700 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã ký kết thỏa thuận cho vay hợp vốn 260 triệu USD đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) dưới dạng tín chấp có thời hạn 3 năm, gồm vay trực tiếp trị giá 100 triệu USD từ ADB và khoản vay hợp vốn trị giá 160 triệu USD giữa ADB và Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore cùng 9 định chế tài chính hàng đầu châu Á khác...
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây có lẽ là lần đầu tiên, dòng vốn quốc tế tài trợ cho các ngân hàng thương mại Việt Nam "đổ" về nhiều nhất và đa dạng nhất về mục đích cấp vốn. Nếu trước đây chỉ là hoạt động tài trợ vốn để mở rộng danh mục cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nay mở rộng cả về đối tượng cho vay. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ, các dự án môi trường và chống biến đổi khí hậu... cũng là những đối tượng có thể xem xét được cấp vốn. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này cũng đòi hỏi việc lựa chọn cùng những tiêu chí khắt khe và không dễ thực hiện.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch thường trực Hoàng Quang Phòng cho biết, việc nhiều dòng vốn ngoại liên tục đổ về các ngân hàng thương mại Việt Nam là tín hiệu rất đáng mừng, chứng thực cho sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế trong nước.
Về lâu dài, đây sẽ là điểm tựa và cũng là đòn bảy tài chính giúp cho các doanh nghiệp nội địa và kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ngoại cho các nhu cầu đầu tư, mở rộng hoặc phát triển. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước tiếp cận được nguồn tài chính này và bản thân các ngân hàng thương mại cũng chưa công bố và chưa xây dựng cơ chế cấp vốn cùng các điều kiện cho vay tín dụng từ nguồn vốn ngoại.
Tới đây, VCCI sẽ có văn bản đề xuất Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi hơn, tạo các cơ chế chính sách cụ thể và hướng dẫn chi tiết, rõ ràng giúp các doanh nghiệp nhanh chóng chuẩn bị và hoàn thiện các hồ sơ đề nghị cấp vốn. Song, về điều kiện cấp vốn cùng còn phụ thuộc nhiều vào các quy định và yêu cầu bảo đảm an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng, đó là điều rất quan trọng. Trong bối cảnh cấp thiết hiện nay khi chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm 2023, chắc chắn, lưu chuyển nguồn vốn ngoại đưa vào thực tế của doanh nghiệp sẽ là việc khó.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, hiện tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay và cho dù đã có nguồn tín dụng từ các dòng vốn ngoại. Nhưng, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn chưa vay được, do các tổ chức tín dụng còn khá dè dặt và thận trọng khi cho vay, chưa thực sự quyết liệt tạo điều kiện thuận lợi, giúp các doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, cho dù họ có ưu thế về kinh doanh hay sản xuất.
Có lẽ vào lúc này, thường là doanh nghiệp đang khó khăn về vốn do cận Tết, các ngân hàng cần linh hoạt hơn trong khâu thẩm định hơn đối với các hình thức cho vay. Sự chủ động hợp tác với các doanh nghiệp từ phía các ngân hàng thương mại sẽ là tiền đề hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn và thuận lợi hơn trên bước đường phát triển doanh nghiệp.
Người đại diện của VINASME cũng kiến nghị có một cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, giảm các điều kiện cho vay để doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng - doanh nghiệp chuyên lắp ráp, xây dựng nhà xưởng công nghiệp chia sẻ, hiện nay, công ty đã dần phục hồi trở lại sau dịch bệnh COVID-19; đồng thời, mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển trong năm 2023. Tuy nhiên, do thiếu vốn, lại không có tài sản thế chấp, trong khi điều kiện vay của các ngân hàng thương mại đang quá ngặt nghèo khiến doanh nghiệp khó vay được khoản tín dụng trung và dài hạn.
Theo ông Thắng, khi xem xét hồ sơ vay, ngân hàng yêu cầu phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, phải có năng lực quản trị, phương án dự phòng rủi ro, phải chứng minh nguồn thu, dòng tiền, đầu vào, đầu ra... Trong khi đó, là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô chỉ vài chục lao động, lại vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên những yêu cầu của ngân hàng đưa ra, công ty khó đáp ứng.