Kỳ vọng sản xuất công nghiệp có thể đột phá trong năm 2025

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, nếu tận dụng tốt các lợi thế, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, Việt Nam có thể tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo.

Chú thích ảnh
Sản xuất ô tô du lịch tại nhà máy lắp ráp ô tô Ford Hải Dương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tiếp tục khởi sắc từ nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo triển vọng tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp sau. Doanh nghiệp dệt may da giày đã có đơn hàng đến 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nhóm ngành gỗ đã có sự hồi phục đáng kể, tiếp tục có tăng trưởng cao.

Riêng đối với ngành sản xuất điện tử bán dẫn, những chính sách mới sẽ góp phần tạo sức hút FDI trong năm 2025 cũng như thu hút sự dịch chuyển luồng đầu tư từ các nước sang Việt Nam.

“Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo”, Vụ trưởng Phí Thị Hương Nga khẳng định.

Tuy nhiên, theo bà Nga, năm 2025 trong ngắn hạn, IMF đề cập đến bảy rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới: thắt chặt chính sách tiền tệ gây tác động nhiều hơn dự kiến; thị trường tài chính định giá lại do đánh giá lại chính sách tiền tệ; căng thẳng nợ công gia tăng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển; ngành bất động sản Trung Quốc thu hẹp sâu hơn dự kiến; giá hàng hóa tăng đột biến do hậu quả của các cú sốc khí hậu; xung đột khu vực hoặc căng thẳng địa chính trị rộng hơn; các quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ; bất ổn xã hội tiếp diễn. Các rủi ro này có thể có những tác động không tốt tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 8,4% so với năm trước; trong đó, sản xuất công nghiệp tăng nhanh trong quý II và quý III, có xu hướng tăng trưởng chậm hơn trong quý IV.

Để đạt được kết quả này, trước hết phải kể đến sự điều hành linh hoạt, có hiệu quả của Chính phủ. Theo đó, các phản ứng chính sách của Chính phủ trong năm 2024 phải nói là nhanh; nhiều chính sách ban hành kịp thời tháo gỡ một phần các khó khăn cho doanh nghiệp như: Nghị định 109 của Chính phủ về giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ 1/9/2024 đến 31/12/2024 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước tăng khối lượng sản xuất, thể hiện qua chỉ số sản xuất ngành sản xuất xe có động cơ quý IV tăng 43,7% so cùng kỳ và tăng 31,7% so quý trước, cả năm tăng 21,1%...

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thì trường mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cả năm 2024 đã liên tục được đẩy mạnh, Việt Nam đã tận dụng tốt các lợi thế từ quốc tế mang lại sự dịch chuyển đơn hàng dệt may do xung đột tại Bangladesh... đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, các ngành hàng hướng đến xuất khẩu đều trăng trưởng khá như: nhóm ngành dệt, may, da giầy trăng trưởng trên 10%; nhóm ngành sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 23,8%, nhóm ngành điện, điện tử tăng từ 8,3% đến 11,9%.

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cũng cho biết, một số địa phương như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh đó, các trung tâm công nghiệp lớn tiếp tục tăng trưởng khá. Tỉnh Bắc Giang là một điển hình khi lĩnh vực sản xuất điện, điện tử và linh kiện tăng rất mạnh, tạo đà cho sản xuất công nghiệp tăng trên 20%. Phú Thọ trở thành địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với con số tăng trưởng trên 40% nhờ nỗ lực xúc tiến các dự án đầu tư về bán dẫn.

Nhận định về tình hình trong nước, bà Nga cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút FDI liên tục gia tăng gia tăng, đầu tư công tiếp tục được chú trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm quốc gia, có tác động lan tỏa tới nền kinh tế là những yếu tố thuận lợi cho kinh tế trong nước cũng như sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển.

Nổi bật, giải ngân vốn của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam và khẳng định, nhà đầu tư tiếp tục mở rộng các dự án tại Việt Nam thời gian tới.

Thúy Hiền (TTXVN)
Ngành Công Thương đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10%
Ngành Công Thương đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10%

Ngành Công Thương rà soát và nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN