Theo đó, kể từ hôm nay 13/9, lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) sẽ giảm từ 0,25-0,3%/năm đối với tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Lãi suất cao nhất tại BacABank đã giảm từ 6,65%/năm xuống còn 6,4%/năm, áp dụng với số dư gửi tiền trên 1 tỷ đồng kỳ hạn từ 13 tháng; dưới 1 tỷ đồng, lãi suất cao nhất chỉ 6,2%/năm cho cùng kỳ hạn.
Cùng với điều kiện về số dư trên 1 tỷ đồng, BacABank áp dụng lãi suất 6,2%/năm cho kỳ hạn 6-8 tháng; 6,25%/năm cho kỳ hạn 9-11 tháng và 6,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Đối với số dư tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất huy động các kỳ hạn tương ứng tại BacABank lần lượt là 6 - 6,05 - 6,1%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng có bước giảm đồng loạt 0,3%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động cao nhất của Saigonbank xuống còn 6,3%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng.
Lãi suất tiết kiệm tại Saigonbank kỳ hạn 12 tháng còn 5,9%/năm; kỳ hạn từ 6-9 tháng còn 5,7%/năm; các kỳ hạn từ 1-3 tháng từ 3,6-4%/năm.
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) có bước giảm 0,3%/năm đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng xuống 6,1%/năm trong khi giữ nguyên mức 6,6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng và 6,7%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng.
Không riêng các kỳ hạn dài, PG Bank cũng giảm đồng loạt lãi suất 0,3%/năm với các kỳ hạn ngắn hơn đưa lãi suất tiền gửi từ 1-3 tháng xuống mức 4,45%/năm; từ 6-9 tháng xuống 6%/năm.
Tương tự, biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng điều chỉnh giảm đối với các kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng và giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn dài hơn.
Eximbank niêm yết lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-5 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống còn 4%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5,2%/năm còn 5%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn từ 9-11 tháng ở mức 5,3; kỳ hạn 12-15 tháng là 5,5%/năm. Lãi suất cao nhất 5,8%/năm tại Eximbank vẫn không đổi và áp dụng đối với tiền gửi từ 18 tháng trở lên.
Đối với 4 ngân hàng lớn "big 4" gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất vẫn giữ ổn định với mức cao nhất là 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng.
Theo khảo sát của phóng viên TTXVN tại sáng 13/9, lãi suất huy động cao nhất hệ thống vẫn đang niêm yết tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank). Khách hàng khi gửi tiền kỳ hạn 12 và 13 tháng có thể hưởng lãi suất lên tới 11%/năm nếu đáp ứng điều kiện số dư tiền gửi phải từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Kế sau là mức 9,1%/năm niêm yết tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) khi khách hàng gửi từ 300 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng. Còn tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), với số dư tiền gửi từ 1 tỷ đồng, lãi suất áp dụng 8%/năm khi gửi tiền kỳ hạn 13 tháng.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất trên 7%/năm cho các khoản tiền gửi thông thường. Lãi suất cao nhất 6,8%/năm tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank); kế sau là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) với 6,75%/năm và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) với 6,7%/năm...
Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất đang thuộc về NCB và CBBank, lần lượt là 6,65%/năm và 6,5%/năm.
Tuy xu hướng giảm lãi suất liên tục diễn ra tại nhiều ngân hàng nhưng đối với các kỳ hạn dài hơi, nhiều ngân hàng vẫn cung cấp lãi suất hấp dẫn, tạo cơ hội cho những người đầu tư dài hạn để duy trì tỷ lệ sinh lời ổn định.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất hạ thấp, nhà đầu tư có xu hướng đa dạng danh mục đầu tư để gia tăng tài sản, nâng cao hiệu quả sinh lời. Nhưng đây cũng là thời điểm cần cẩn trọng và thông thái khi đưa ra quyết định đầu tư, không nên "bỏ trứng vào một giỏ".