Đây là một hoạt động sau khi Nghị định thư Ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được thông qua.
Lô sầu riêng xuất khẩu này là của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Long Thủy (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) gồm 4 container (hơn 70 tấn). Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở Lâm Đồng được cấp 1 mã số vùng trồng với diện tích 150ha và 1 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá, sự kiện này mang một ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới hiện nay. Đồng thời, việc này giúp doanh nghiệp, nông dân tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả này.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có 2 cơ sở được cấp mã số đóng gói và 1 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sắp tới sẽ có khoảng 10 mã số vùng trồng tiếp tục được cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tăng thêm nguồn cung ứng sầu riêng cho thị trường nước ngoài.
Theo thống kê, diện tích sầu riêng trên toàn tỉnh Lâm Đồng hơn 14.000 ha (gồm diện tích trồng xen 8.894ha, trồng thuần 5.5ha). Trong đó diện tích kinh doanh cho thu hoạch khoảng 7.000ha, sản lượng đạt khoảng 99.364 tấn mỗi năm. Vùng trồng sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh với hơn 12.000ha. Diện tích còn lại rải rác tại các địa phương như Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lộc với các loại giống chủ yếu là MonThong, Ri6.
Tỉnh hiện có hơn 900 ha sầu riêng được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có 17 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sầu riêng với 411 hộ liên kết, diện tích 645,8 ha, sản lượng đạt 13.810 tấn.