Tiêu biểu là ông Nguyễn Văn Luân (57 tuổi) ở thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng; ông không chỉ là người có hướng đi mới trong canh tác cây điều hữu cơ mà còn tích cực đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng.
Làm giàu từ mô hình sản xuất và kinh doanh
Gia đình ông Luân rời Hà Nội năm 1986 vào lập nghiệp và sinh sống tại tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Thời gian đầu sinh sống tại địa phương, gia đình ông làm công nhân nông trường cao su và khai hoang được 3 ha rẫy trồng điều. Bằng nguồn vốn tích lũy được, hằng năm, gia đình ông dần mở rộng diện tích canh tác thêm. Đến nay, gia đình ông 10 ha trồng cây điều và 8 ha trồng cây cao su.
Năm 2007, ông Nguyễn Văn Luân đã chủ động xin tham gia vào tổ chức Hội Nông dân xã. Từ đó, ông được tiếp cận, học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh hại nhằm nâng cao năng suất chất lượng cây trồng từ các hộ nông dân sản xuất giỏi. Ông còn được tham quan nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả để áp dụng và mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Luân chia sẻ: “Trước đây, gia đình canh tác cây trồng theo hướng truyền thống nên năng suất thấp. Thấy sự thay đổi của thời tiết, vật tư nông nghiệp lên cao, tôi đã quyết định canh tác theo hướng hữu cơ. Vườn điều, cao su đều sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh. Đặc biệt, hơn chục năm qua, vườn điều canh tác theo hướng hữu cơ luôn cho năng suất cao, trung bình hơn 3 tấn/ha”.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sản xuất cũng như kiến thức được học tập từ các mô hình sản xuất có hiệu quả, ông Luân chủ động áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc và khai thác cây trồng đạt hiệu quả cao. “Cây trồng phát triển tốt cần chú trọng tỉa cành, tạo tán đúng kỹ thuật, xử lý sâu bệnh hại cho cây trồng sau thu hoạch, bảo quản nông sản. Việc chọn giống tốt, áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất và giữ thảm thực vật tránh xói mòn cũng góp phần lớn tạo ra sản phẩm chất lượng”, ông Luân chia sẻ thêm.
Cùng với canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, nhận thấy việc chế biến nông sản là một cơ hội để vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa tạo việc làm cho người nông dân trên địa bàn, ông Luân đã mạnh dạn đầu tư làm xưởng chế biến hạt điều.
Xưởng chế biến điều của ông Luân lấy nguyên liệu từ nguồn cung ứng vườn điều hữu cơ của gia đình và thu mua từ bà con trồng hữu cơ trong thôn để chế biến sản phẩm hạt điều rang muối. Việc chế biến hạt điều bản địa của ông Luân góp phần giới thiệu sản phẩm hạt điều có nguồn gốc của nông dân Bình Phước biết đến nhiều hơn.
Sau khi trừ chi phí, mô hình trồng trọt và kinh doanh của gia đình ông Luân cho nguồn thu đạt khoảng hơn 1,6 tỷ đồng/năm. Từ mô hình sản xuất và kinh doanh, hàng năm, gia đình ông Luân đã tạo việc làm ổn định cho 17 lao động và 8 lao động thời vụ, mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Ông còn giúp đỡ 5 hội viên khó khăn về vốn, cây giống, vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Thủy (45 tuổi) là một trong những người có thu nhập ổn định khi làm việc tại xưởng chế biến điều của ông Nguyễn Văn Luân hơn 4 năm qua. Trước kia, chị làm công việc đi cạo mủ cao su, bóc vỏ lụa hạt điều, thu nhập không ổn định. Từ khi vào làm việc xưởng điều của ông Luân, thu nhập của chị ổn định hơn. Thời gian cố định giúp chị thuận lợi sắp xếp việc nhà.
Nhiều đóng góp có ý nghĩa
Bằng nỗ lực của gia đình, nhiều năm liền, ông Nguyễn Văn Luân vinh dự được Hội Nông dân các cấp công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành ở địa phương. Ông Luân luôn đi đầu trong mọi phong trào hoạt động của hội và địa phương phát động; tuyên truyền đến hội viên và vận động người dân xung quanh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định, hương ước, quy ước của địa phương.
Ông Luân còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động do Hội và địa phương phát động như: Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hướng dẫn về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây điều thời kỳ ra hoa đậu trái. Bên cạnh đó, ông còn làm đầu mối thu mua ổn định mặt hàng hạt điều cho nông dân trên địa bàn xã trong nhiều năm liền, qua đó tạo được sự tin tưởng của bà con đối với hoạt động kinh doanh của gia đình.
Ông Luân đã tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn trong chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn như đóng góp tiền làm đường, xây dựng hệ thống đèn đường nông thôn, đóng góp cho địa phương trong chung tay xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo… với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Ông còn giúp vốn cho Hội viên và nhân dân trong thôn vay làm kinh tế không lấy lãi đến nay với tổng cộng số tiền trên 450 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tân Mai Xuân Tý cho biết, ông Nguyễn Văn Luân và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Ông tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động, chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Ông Nguyễn Văn Luân là hội viên nông dân nòng cốt, sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền; sản xuất nông nghiệp sạch, tạo ra sản phẩm sạch.
Với mô hình sản xuất và kinh doanh mang lại hiệu quả cao được địa phương ghi nhận, ông Nguyễn Văn Luân vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước.