Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 4,2% trong tháng 4 so với cùng kì năm ngoái và là mức tăng lớn nhất theo năm kể thời điểm khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2008.
Giới hoạch định chính sách Washington từng nhận định, lạm phát sẽ tăng khi Mỹ mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ (CEA), lạm phát tăng là điều đoán biết được dưới góc độ là một dấu hiệu của phục hồi. Nhưng giới phân tích cho rằng, mức tăng lạm phát trong tháng 4 vừa qua cao hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại Mỹ có thể bị cuốn vào một giai đoạn giá tiêu dùng tăng kéo dài.
Việc nới lỏng các quy định về hạn chế sản xuất, kinh doanh từng được áp dụng để phòng ngừa COVID-19 là một yếu tố tác động. Nhưng quan trọng nhất phải kể đến các gói kích thích kinh tế quy mô mà Mỹ triển khai trong một năm vừa qua để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Gói cứu trợ 1.900 tỉ USD được thông qua hồi tháng 3 vừa qua là bước đi mới nhất trong kế hoạch kích thích kinh tế. Nhưng không dừng ở đó, ông Biden vừa đề xuất hai gói chi tiêu kinh tế khác, với tổng trị giá lên đến 4.000 tỉ USD về xây dựng hạ tầng và củng cố lực lượng lao động tại Mỹ.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng đặt ra thách thức mới cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) – cơ quan vẫn khẳng định cam kết duy trì mức lãi suất gần ngưỡng 0% trong nhiều năm để thúc đẩy xu hướng toàn dụng lao động, tạo đà cho tăng trưởng, cũng như kiểm soát lạm phát ở mức 2%. Nhưng kế hoạch đó đang bị đe dọa bởi lạm phát tăng cao; không loại trừ khả năng FED sẽ phải ra tay can thiệp theo hướng nâng lãi suất.