Cần giải pháp căn cơ để phát triển ổn định kinh tế-xã hội
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới không thuận lợi những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua là hết sức trân quý. Tăng trưởng kinh tế cao; công tác xây dựng hoàn thiện thể chế ngày càng được tăng cường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, suất siêu, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài được đảm bảo; quốc phòng an ninh được tăng cường độc lập chủ quyền được giữ vững góp phần tăng cường củng cố và nâng cao uy tín vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, để đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị 7 giải pháp.
Thứ nhất, cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu. Trong thời gian tới, theo đại biểu cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh các doanh nghiệp kéo kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí.
Thứ hai, hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, về thuế và phí. Trong thời gian vừa qua, khi triển khai Nghị quyết số 43 có nhiều gói triển khai thuận lợi nhưng có gói không thuận lợi, cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. “Cho đến nay, chúng ta giải ngân chưa đạt so với kế hoạch vì do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, gói hỗ trợ miễn, gia hạn thuế thì chúng ta triển khai thuận lợi hơn và đến nay đã đạt được 72,5% so với kế hoạch”, đại biểu cho biết.
Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Điều này sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Thứ ba, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tuy vẫn tăng nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh, năng lượng và môi trường, đồng thời ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước. “Chúng ta cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI cũng như là các mặt hàng xuất khẩu”, đại biểu đề nghị.
Thứ tư, đời sống của người dân, một bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, gia đình có người thân mất do dịch COVID-19, hộ bị thiên tai, lũ lụt, cán bộ hưu trí về hưu trước năm 1995. Do đó, đại biểu kiến nghị cần tăng cường chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nhất là dịp lễ, Tết; quan tâm hơn nữa đến thu nhập cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y và ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông.
Thứ năm là vấn đề thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. Theo đại biểu, mặc dù Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc nhưng cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.
Thứ sáu, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một số nơi tại cơ sở khám, chữa bệnh cần có giải pháp cấp bách, quyết liệt. Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị trong khi chờ đợi các luật ban hành, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội những giải pháp cấp bách để đưa vào nghị quyết cuối kỳ họp này, vì bảo vệ sức khỏe nhân dân, tính mạng nhân dân là trên hết và trước hết, cử tri đang rất quan tâm vấn đề này.
Thứ bảy, giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, đại biểu đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.
Làm rõ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngược với thế giới
Thể hiện đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) và các đại biểu phát biểu trước, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nhấn mạnh, vào khoảng thời gian này năm trước, khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, mặc dù có nhiều niềm tin nhưng không ít lo lắng, ưu tư. Nhưng kết quả 9 tháng của năm và dự kiến cả năm 2022, Việt Nam đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch COVID-19, 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt; có chỉ tiêu vượt xa, trong đó GDP vượt 2,0% chỉ tiêu Quốc hội giao. Những thành tựu quan trọng, cơ bản đó đã chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hiệu quả. Kết quả đó cũng cho thấy vai trò trách nhiệm, sự chủ động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, cùng với đó là sự nỗ lực, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; sự hy sinh, tận hiến của chính quyền cơ sở, của đội ngũ công chức, viên chức và các lực lượng xã hội khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đại biểu thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế bất cập, trong đó có một số điểm có tính chất ngược, cần phân tích làm rõ hơn. Thứ nhất, cần làm rõ vì sao khi Việt Nam GDP tăng, thế giới lại giảm và ngược lại. Năm 2020, GDP Việt Nam đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%. Năm 2021, thế giới tăng 5,9% thì Việt Nam lại giảm còn 2,58%. Chín tháng của năm 2022, Việt Nam tăng 8,0%, thế giới giảm 3,2%.
Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng lại đang ngược độ tăng trưởng GDP với thế giới. Nếu chúng ta xác định đi một mình, đi nhanh thì cũng cần phân tích, rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo điều hành, bảo đảm tăng trưởng cao nhưng bền vững.
Thứ hai, theo đại biểu, chúng ta lo lắng cho thu ngân sách trước nhiều khó khăn, thách thức, sẽ không hoàn thành nhưng kết quả 9 tháng đã hoàn thành hơn 94%; dự kiến vượt thu năm 2022 là rất lớn. Tình trạng này xảy ra cả năm 2021 và các năm trước. Như vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét lại dự báo và phân tích dự báo về vấn đề này.
Thứ ba, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt trong chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản song kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 lại thấp hơn cùng kỳ năm 2021 - năm bị ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đại biểu thống nhất với những thách thức khó khăn, vướng mắc nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, về giải pháp, đại biểu cho rằng cần phải quyết liệt xử lý đối với từng dự án. “Cả nước, trong 5 năm chỉ có 5.000 dự án nhưng ở đâu, chúng ta cũng thấy tắc như các đại biểu đã nói, giải ngân rất chậm”, đại biểu nhấn mạnh.