Với diện tích 1 ha, năm nay gia đình chị Phạm Thị Xuân, xóm 6, xã Đông Sơn chỉ trồng trên 1.000 gốc đào. Mặc dù trồng ít hơn mọi năm và lượng khách mua lẻ đến tham quan, mua hoa ít hơn so với thời điểm này năm ngoái nhưng theo chị Xuân, giá bán tại vườn của gia đình chị cao hơn so với năm ngoái khoảng 10%, khách lẻ ít song khách đặt buôn thì nhiều hơn. Hiện vườn của gia đình chị đã được thương lái đến đặt mua khoảng 400 gốc, giá dao động từ vài trăm nghìn tới 5-6 triệu đồng/cây, cành đào. "Như mọi năm, từ đầu tháng Chạp là thương lái đã đến đặt mua ở các vườn, còn khách lẻ thường từ ngoài 20 tháng Chạp trở đi mới đến đông. Do đó, thời điểm hiện tại gia đình vẫn đang tập trung chăm sóc giúp hoa nở đẹp nhất để đón khách", chị Xuân chia sẻ.
Những ngày này, vườn đào của gia đình ông Phạm Xuân Thủy, xóm 6, xã Đông Sơn tấp nập người mua, người xem. Năm nay, gia đình ông trồng gần 4.000 cây đào, trong đó có hơn 2.000 gốc đào từ 3-5 năm đang được thực hiện các bước chăm sóc cuối cùng để chuẩn bị cho ngày xuất bán. Hiện tại vườn nhà ông đã bán được một nửa, ước tính vụ Tết năm nay thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ vườn đào. Ông Thủy cho biết, cây đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên người trồng đào phải rất công phu, tỉ mỉ từ các công đoạn chăm sóc. Năm nay làm đào khó hơn mọi năm do mùa Đông đến muộn lại thêm nắng gắt kéo dài, lập Xuân thay vì rơi vào những ngày Tết thì lại ra ngoài Tết nên ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển cũng như thời điểm nở hoa của cây đào.
Để có đào đẹp bán vào dịp Tết, người trồng đào ở Đông Sơn vẫn đang theo dõi diễn biến của thời tiết và thực hiện các biện pháp xử lý cây đào phai nở hoa cho phù hợp. Đồng thời tích cực chăm sóc, uốn nắn, cắt tỉa, chằng, buộc gọn tán để đảm bảo cây đào ra hoa đẹp nhất khi Tết đến, Xuân về, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Năm nay, làng đào Đông Sơn tiêu thụ ra thị trường 3 loại là đào cành, đào dáng truyền thống và đào dáng huyền. Hiện tại, nhiều vườn đào ở Đông Sơn đánh giá là đào cành được tiêu thụ nhiều nhất. Khách đến đặt mua không chỉ có người dân trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc.
Xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp nổi tiếng với nghề truyền thống trồng đào phai từ 30-40 năm trước. Đào Đông Sơn đã khẳng định được thế mạnh của mình trên thị trường trong nước với nét đẹp riêng là dáng cây thanh thoát, cánh hoa dày, phớt hồng, rất được ưa chuộng. Đây là mùa Tết đầu tiên sau gần 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên bà con đặt rất nhiều kỳ vọng vào sức bật của thị trường.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết, Đông Sơn hiện có 10 làng nghề trồng đào phai với hơn 1.000 hộ trồng đào, tổng diện tích khoảng 150 ha. Năm nay, do thời tiết thất thường nên xã đã tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăm sóc để đào phát triển tốt, ra hoa đúng vụ. Thời gian qua, nhờ duy trì và phát triển tốt làng nghề trồng đào truyền thống mà người dân Đông Sơn có nguồn thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được cải thiện. Vì vậy, duy trì và phát triển làng nghề trồng đào truyền thống đang là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. Vụ Tết năm ngoái người trồng đào phai xã Đông Sơn thu về khoảng 17 tỷ đồng, dự kiến năm nay sẽ cao hơn.
Ngày 15/6/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Tam Điệp (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 15 về "lãnh đạo xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố". Theo đó, thành phố chọn cây "đào phai Tam Điệp" là một trong hai loại sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu. Đến nay, nhiều người đã biết đến sản phẩm đào phai Đông Sơn, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng và giá trị sản phẩm cây hoa đào phai Đông Sơn ngày càng được nâng cao, nhiều hộ đã sản xuất theo hướng đào gốc, đào thế, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.