Mô hình triển khai thí điểm tại 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Yên Bái, Bạc Liêu bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Việc xây dựng phát triển mô hình “Làng nông thuận thiên” nhằm nâng cao khả năng đáp ứng các mục tiêu về an ninh lương thực, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và khả năng phục hồi môi trường (đất, nước), đồng thời, giảm khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp.
CCAFS-SEA đã tiến hành nghiên cứu các nguy cơ, mối đe dọa đối với nông nghiệp và an ninh lương thực trên thế giới do sự thay đổi bất thường của thời tiết và biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời tìm ra các giải pháp giúp các cộng đồng dân cư nông thôn dễ tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu...
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những vùng có tỷ lệ nghèo đói cao cũng chính là vùng có năng suất nông nghiệp thấp, được xác định là "điểm nóng" về biến đổi khí hậu. Nên cần phải triển khai các mô hình nông nghiệp bền vững, trong đó đẩy mạnh vai trò bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng.
Mô hình “Làng nông thuận thiên” là một giải pháp tổng hợp tất cả các phương pháp, như nuôi giun quế, trồng cây trên đất dốc, trồng xen cây lâm nghiệp, băng cỏ chống cháy rừng; trồng các giống cây chịu hạn, mặn; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dựa vào hệ sinh thái… Song cũng cần căn cứ vào đặc điểm tự nhiên của về điều kiện thổ nhưỡng, tình trạng xâm nhập mặn, hạn của mỗi vùng để áp dụng các phương pháp này.
Áp dụng mô hình “Làng nông thuận thiên”, người nông dân có thể tham gia bảo hiểm nông nghiệp để được chi trả rủi ro thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi do sự thay đổi bất thường của thời tiết. Mô hình cũng khuyến khích nông dân sử dụng máy công cụ tiết kiệm nhiên liệu, quản lý phụ phẩm nông nghiệp; áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (tận dụng nước ngầm, tích trữ nước mưa) và thành lập các đội công cộng quản lý và bảo vệ nguồn nước hiệu quả…. Người dân cũng sẽ được tham quan, học tập các mô hình trên thế giới về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Yên Bái, Bạc Liêu, những thôn, ấp được lựa chọn áp dụng mô hình “Làng nông thuận thiên” là những vùng có sự tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái, sinh kế người của người dân như thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái); thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh); ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Tại mỗi thôn, ấp khi triển khai mô hình đều thành lập Ban chỉ đạo bao gồm đại diện cộng đồng địa phương và các nhà khoa học, để cùng xác định lựa chọn loại hình nông nghiệp thích ứng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Trong số các thôn được lựa chọn, thôn Mạ áp dụng hiệu quả nhất mô hình “Làng nông thuận thiên”. Thôn có 193 hộ, 750 nhân khẩu với một nửa là đồng bào dân tộc Cao Lan. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các nhà khoa học, nhiều loại hình chăn nuôi được nông dân lựa chọn thực hiện như ủ phân nuôi giun quế, nuôi gà trên đệm lót sinh học, chăn nuôi bán công nghiệp… Các loại hình chăn nuôi này không những làm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, mà còn đảm bảo sinh kế cho người dân, nâng cao chất lượng đời sống.
Qua kết quả khảo sát các hộ dân từ khi nuôi giun quế, chất thải của trâu, bò trước đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm, bốc mùi nay lại là nguồn thức ăn cho giun, giúp chất thải tạo lớp mùn, vừa khử mùi hôi thối của phân chuồng vừa tạo lớp phân bón “sạch” cho cây trồng.
Giun quế lại trở thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi gà. Ngoài ra, tận dụng cám cưa từ các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn thôn, các nhà khoa học đã hướng dẫn bà con cách làm đệm lót sinh học khử mùi hôi chất thải của gà. Trước hết, trải đều cám cưa trên nền diện tích nuôi gà với độ dày khoảng 15 cm tạo thành lớp đệm, sau đó tùy theo diện tích của lớp đệm rộng hay hẹp mà sử dụng lượng cám gạo và men rượu cho thích hợp. Trung bình nếu diện tích là 30 m2 sẽ sử dụng 10 kg cám gạo trộn với 3 lạng men rượu ủ qua một đêm, sau đó trải đều lên lớp đệm sẽ khử được toàn bộ mùi hôi do chất thải của gà.
Đối với diện tích ruộng cạn ở thôn Mạ không có nước để cấy lúa, các chuyên gia hướng dẫn trồng cây ăn quả xen trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng, gốc làm thức ăn cho trâu bò, ngọn thì cho dê. Còn các hộ nông dân trồng sắn cũng được hướng dẫn trồng xen với cỏ, sử dụng cỏ để làm thức ăn cho gia súc và cá. Biện pháp này giúp cải thiện chất lượng và cấu trúc của đất, giúp tăng khả năng thấm của nước vào đất và tăng hàm lượng dinh dưỡng cho cây. Trong khi những cây trồng khác không thể canh tác trên đất dốc và bạc màu thì việc xen canh cây sắn đã mang lại thu đáng kể cho nông dân…
Với cách tiếp cận mới, mô hình “Làng nông thuận thiên” đã hướng dẫn người nông dân kỹ thuật canh tác mở rộng ở phạm vi cộng đồng thay thế các biện pháp trước đây ở phạm vi đồng ruộng. Đồng thời, việc huy động sự tham gia của người nông dân từ ngay khâu lựa chọn kỹ thuật đã phát huy được kiến thức bản địa. Người nông dân có thể điều chỉnh kỹ thuật phù hợp với loại đất và tập quán canh tác của địa phương.
Qua việc thực hiện mô hình “Làng nông thuận thiên” ở các thôn, bản đã thay đổi tích cực về mặt nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày. Các hộ nông dân đã sử dụng điện, nước hợp lý, trồng cây xanh, tôn tạo cảnh quan bảo vệ môi trường. Đồng thời giúp chính quyền địa phương cải thiện môi trường, tăng cường cung cấp các thông tin về biến đổi khí hậu, khuyến nông, bảo vệ thực vật… cho người dân.
Bước đầu mô hình “Làng nông thuận thiên” đã tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay đổi các phương thức canh tác cũ theo lối mòn, lạc hậu bằng các phương thức canh tác thông minh cũng là cách để người nông dân nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Trong tương lai gần, mô hình này sẽ được nhân rộng trong cả nước, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.