Tại buổi làm việc, ông Dương Xuân Huyên nhấn mạnh, chuyển đổi số, trong đó có việc triển khai nền tảng cửa khẩu số là xu hướng tất yếu. Việc triển khai phải đạt được các mục tiêu phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành; công khai, minh bạch; không làm phát sinh chi phí, thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Để thực hiện tốt những mục tiêu đó và khắc phục triệt để những vướng mắc trong thời gian sớm nhất, ông Dương Xuân Huyên yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn về nền tảng cửa khẩu số đến người dân, doanh nghiệp; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để khắc phục; trước mắt, cần khắc phục ngay những vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ triển khai nền tảng cửa khẩu số.
Cùng đó, các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện phần mềm, tích hợp thông tin chuyên ngành vào nền tảng cửa khẩu số nhưng phải đảm bảo phân cấp, phân quyền hợp lý, bảo mật thông tin; phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xử lý nhanh chóng, kịp thời, triệt để vướng mắc, sự cố phát sinh.
Phát triển cửa khẩu số là một trong năm trụ cột trong chuyển đổi số của Lạng Sơn. Thực hiện Kế hoạch số 150, ngày 2/7/2021 của UBND tỉnh về triển khai thí điểm chuyển đổi số tổng thể và toàn diện tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, từ đầu tháng 7/2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lắp đặt hạ tầng, phần mềm, tập huấn, tuyên truyền… để triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Khắc Lịch cho biết, sau một thời gian chuẩn bị và thực hiện thí điểm, từ ngày 21/2/2022, theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, 100% doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, đại lý hải quan phải khai báo thông tin trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh.
Trong những ngày đầu triển khai, mỗi ngày có khoảng 400 người tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và 200 người tại Cửa khẩu Tân Thanh truy cập, đăng ký tài khoản khai báo thông tin trên nền tảng cửa khẩu số, dẫn tới máy chủ, đường truyền bị quá tải, nghẽn mạng cục bộ; phần mềm có thời điểm bị lỗi; nhiều trường hợp thông tin trong phần mềm chưa thực sự hợp lý, tương thích với nhiệm vụ của cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu…
Những vướng mắc phát sinh đó đã được các cơ quan liên quan nhanh chóng, xử lý, khắc phục. Tính từ ngày 21/2/2022 đến ngày 7/3/2022, có 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý hải quan đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số với số lượng gần 7.000 phương tiện xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và trên 1.300 phương tiện xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh.
Tại cuộc kiểm tra, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đều khẳng định những ưu điểm, tiện ích mà nền tảng cửa khẩu số mang lại. Nếu như thời gian đầu, các doanh nghiệp khai báo thông tin phải mất từ 15 đến 30 phút, thì nay thời gian giảm xuống chỉ còn từ 2 đến 5 phút; phần mềm hoạt động tương đối ổn định, các sự cố về nghẽn mạng cục bộ cơ bản được giải quyết…
Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc phát sinh như: một số doanh nghiệp chưa sửa dụng thành thạo, còn nhập sai tên miền, khai báo thông tin chưa đầy đủ; camera chưa nhận diện được biển số xe Trung Quốc; việc tích hợp các dữ liệu chuyên ngành của các đơn vị liên quan trên nền tảng còn hạn chế; một số chức năng của các đơn vị liên quan trong quy trình làm thủ tục chưa được tích hợp; khó khăn trong thu thuế, phí…