Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định, chủ trì Hội thảo.
Qua 18 năm triển khai thực hiện hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005 về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam phát triển, thu hút được ngày càng nhiều đối tượng tham gia giao dịch, từng bước tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu có được công cụ bảo hiểm giá để chủ động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều Luật có tác động đến lĩnh vực này như Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020, Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024,…
Theo đó để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết.
Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia và đàm phán, ký kết nhiều FTA ở cả cấp độ song phương và đa phương, dẫn tới nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.
Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động này cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan và sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Thực hiện quy trình xây dựng Nghị định, Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp và nhân dân về Dự thảo Nghị định. Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tổng hợp, tiếp thu, rà soát và giải trình đối với toàn bộ các ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Mục tiêu chung của Dự thảo Nghị định là hoàn thiện các quy định, chính sách để phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và người dân; góp phần kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Về quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định, có 4 quan điểm lớn. Đó là tiếp tục kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa;
Cùng với đó, tuân thủ các quy định của Luật Thương mại, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật Giao dịch điện tử, Luật Cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về khung pháp lý;
Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định để phù hợp với sự phát triển thực tế của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đi cùng việc nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra, giám sát của nhà nước, phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an toàn và trật tự xã hội;
Ban soạn thảo cũng tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thể chế quản lý hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, từ đó xây dựng các quy định của Nghị định phù hợp với thực tiễn cuộc sống và hệ thống pháp luật Việt Nam.
Về định hướng xây dựng Nghị định sẽ theo hướng hoàn thiện các điều kiện, thủ tục gia nhập thị trường để đảm bảo cách tổ chức vận hành thị trường đủ năng lực có thể phù hợp với quy mô hoạt động hiện nay. Theo dự báo đây là lĩnh vực sẽ có quy mô cũng như sự phát triển nhanh trong thời gian tới.
Nghị định cũng sẽ hoàn thiện, sửa đổi các quy định về tổ chức, hoạt động của các chủ thể doanh nghiệp, cá nhân tham gia trên thị trường mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa.
Cùng với đó, hoàn thiện các nội dung về công tác quản lý nhà nước liên quan đến quản lý, giám sát cũng như liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật và vấn đề xử lý những sai phạm trong lĩnh vực hoạt động này.
Về bố cục, dự thảo Nghị định bao gồm 16 chương và 140 điều quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Thảo luận tại Hội thảo, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia đều khẳng định sự cần thiết, quan trọng của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, soạn thảo.
Đồng thời các đại biểu cũng trao đổi, góp ý kiến thêm xung quanh những nội dung liên quan về: vai trò, vị trí của chế định Sở giao dịch hàng hóa trong tương quan với các chủ thể khác trong lĩnh vực này; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quản lý hoạt động cấp phép mua bán hàng hóa tại Sở giao dịch hàng hóa; quy định, yêu cầu đối với người tham gia thị trường giao dịch…
Kết luận Hội thảo, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự Hội thảo. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước là đơn vị đầu mối sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về toàn bộ nội dung ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự thảo Nghị định.