Tại cuộc họp, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã trình bày phương án tuyến tối ưu. Cụ thể, tuyến từ nút giao IC05-IC07 dài khoảng 18 km, lựa chọn điểm kết nối với Quốc lộ 3 đi qua cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh giảm chiều dài hơn 3 km, tiết giảm tổng mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng; phương án tuyến kết nối thành phố Cao Bằng, lựa chọn nâng cấp Quốc lộ 34B hiện hữu từ thành phố Cao Bằng đến thị trấn Đông Khê, chiều dài khoảng 31 km với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, tiết giảm ngân sách địa phương tham gia dự án khoảng 1.700 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đưa ra phương án huy động vốn theo mô hình "3 chữ P" với tổng định mức 10.642 tỷ đồng. Cụ thể, chữ P thứ nhất - nguồn vốn ngân sách Nhà nước tối đa 50%, khoảng 5.250 tỷ đồng; chữ P thứ hai là nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 15% phần vốn BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) - tương đương 870 tỷ đồng; chữ P cuối cùng là nguồn vốn huy động khác khoảng 85% phần vốn BOT, tương đương 4.522 tỷ đồng. Với cơ cấu nguồn vốn này, thời gian hoàn vốn là khoảng 18 năm 4 tháng.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cũng đưa ra phương án tài chính để giải quyết bài toán huy động vốn (chữ P thứ ba) là hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Nhà đầu tư đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thống nhất chỉ đạo UBND tỉnh Cao Bằng thực hiện điều chỉnh phương án hướng tuyến (Km 81+800 - Km9+400), tách tuyến kết nối thành phố, thực hiện phân kỳ đầu tư, quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo cơ cấu; tách phần giải phóng mặt bằng (khoảng 1.000 tỷ đồng) thành dự án độc lập.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cần huy động vốn bằng hình thức BCC, phát hành trái phiếu, cổ phiếu và thu xếp tín dụng thực hiện dự án; có giải pháp huy động vốn từ hình thức phát hành trái phiếu của nhà đầu tư đến các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có quyền lợi liên quan đến cao tốc nhằm chứng minh khả năng tài chính làm cơ sở lập và phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; tiết giảm ngân sách địa phương để bù đắp nguồn thu nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án được phê duyệt; áp dụng mức lãi suất, tỷ suất lợi nhuận, phí thu xếp vốn để huy động vốn cho dự án...
Ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, khi tối ưu phương án tuyến, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được điều chỉnh sát về phía cửa khẩu, không đi về phía thành phố Cao Bằng và bỏ nút giao cao tốc với thành phố. Với phương án này, khoảng cách từ thành phố Cao Bằng về Đồng Đăng trong giai đoạn 1 còn 93 km, giảm 3 km so với trước. Tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 1 từ 13.700 tỷ đồng giảm xuống còn 10.646 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án khoảng 5.250 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 870 tỷ đồng và nguồn huy động gần 4.070 tỷ đồng.
Kết luận cuộc họp, ông Lại Xuân Môn, Bí thư tỉnh Cao Bằng nhất trí thông qua phương án điều chỉnh hướng tuyến. “Việc này không ảnh hưởng tới dự án cao tốc mà phát huy nguồn lực đất đai của địa phương, giảm tổng vốn đầu tư dự án để dễ thu hút nguồn vốn nhà nước và doanh nghiệp” - Bí thư tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh.
Ông Lại Xuân Môn yêu cầu ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; hoàn tất thủ tục, phương án trình Hội đồng thẩm định Trung ương; làm văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh hướng tuyến, nâng cấp Quốc lộ 34, bố trí vốn cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km, tổng mức đầu tư hơn 20.900 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2024, đầu tư khoảng 93 km từ Lạng Sơn đến huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Giai đoạn 2 sau năm 2025 sẽ đầu tư tiếp khoảng 22 km đến cửa khẩu Trà Lĩnh.