Bản báo cáo với tựa đề "Học hỏi từ chiến lược công nghiệp của Trung Quốc" do Giám đốc Cơ quan Chiến lược toàn cầu hóa và phát triển Richard Kozul-Wright và quan chức phụ trách vấn đề kinh tế Daniel Poon đưa ra tại Hội nghị của LHQ về thương mại và phát triển.
Một công nhân kiểm tra đường sắt thép trong một đường hầm metro ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 12/5/2017. Ảnh: REUTERS |
Để tránh rơi vào tình trạng "thoái hóa công nghiệp sớm", Trung Quốc đã hướng sang kế hoạch sản xuất đến năm 2025, một lộ trình do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) công bố nhằm hướng đất nước sang hiện đại hóa công nghiệp.
Báo cáo nêu rõ chiến lược này tập trung vào phát triển các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, đồng thời xem xét các dịch vụ của nhà sản xuất, các cách thức mà lĩnh vực sản xuất tập trung vào dịch vụ và công nghệ xanh có thể hỗ trợ tiến trình này.
Thuật ngữ "Made in China" lần đầu được Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra trong bản báo cáo công tác chính phủ năm 2015. Tháng 5/2015, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông báo "Made in China 2025" là sáng kiến quốc gia nhằm cải thiện công nghiệp sản xuất ban đầu là đến năm 2025, tiếp đó là năm 2035 và 2049. Mục đích là nhằm chuyển đổi Trung Quốc sang một cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới.
Báo cáo nhấn mạnh đến việc cung cấp các hỗ trợ chính sách và tài chính nhằm thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong 10 lĩnh vực then chốt như công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo, người máy và các công cụ máy móc do máy tính công nghệ cao kiểm soát, thiết bị vũ trụ và hàng không, các phương tiện sử dụng năng lượng thay thế, dược phẩm sinh học và thiết bị y tế hiệu suất lớn.
Theo chiến lược này, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có một loạt các doanh nghiệp đa quốc gia cạnh tranh đạt được tiến bộ trong việc nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo cũng đề cập đến các chính sách tài chính và đầu tư đổi mới ít được chú ý của chiến lược này song lại có vai trò không kém phần quan trọng. Trung Quốc hy vọng cách tiếp cận này có thể thúc đẩy tiến bộ hướng tới mục tiêu nâng cấp và cải cách thông qua việc tạo ra các phương tiện tài chính được xây dựng dựa theo mục tiêu, hay còn gọi là các quỹ chính phủ, chịu trách nhiệm phân phối tiền đầu tư công. Báo cáo nhận định cách tiếp cận đầu tư dựa trên xu hướng thị trường là một thí nghiệm "táo bạo" để cải thiện khả năng thành công.
Đến thời điểm đó, các ngành công nghiệp then chốt của Trung Quốc sẽ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến việc tiêu thụ năng lượng và vật chất, cũng như ô nhiễm. Đến năm 2035, Trung Quốc dự kiến trở thành một nước công nghiệp hóa hoàn toàn.
Nếu như chiến lược "Made in China 2025" thành công, báo cáo khẳng định điều này sẽ tạo nền móng cho các nguồn tăng trưởng mới. Khi lợi ích của đổi mới được trải đều ra cả nền kinh tế, Trung Quốc sẽ tiến gần hơn mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Báo cáo trên kết luận kinh nghiệm của Trung Quốc về các chính sách công nghiệp và tài chính sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi có cái nhìn sâu hơn để tránh được bẫy thu nhập trung bình.