Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Giá thành sản xuất lúa từ 3.721 - 3.841 đồng/kg; lợi nhuận từ 28 - 31 triệu đồng/ha, tăng từ 3,6 - 7 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đa số các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với 49 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Chơn Chính, Tập Đoàn Lộc Trời, Công ty Lộc Ngọc, Công ty Giống cây trồng Miền Nam, Công ty Ngọc Lợi, Công ty Phát Đạt, Cty TNHH Thiên Ý Rice,...
Bình quân liên kết sản xuất lúa giống được doanh nghiệp mua với giá cao hơn với giá lúa thường từ 500 - 800 đồng/kg. Phương thức liên kết chủ yếu là đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tham gia liên kết vào đầu vụ, đồng thời có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quản lý sâu bệnh hại trong suốt vụ mùa; đến cuối vụ thu hoạch, công ty đến thu mua lúa theo giá thị trường hoặc cao hơn từ 200 - 800 đồng/kg. Ngoài ra, còn có các phương thức liên kết khác như: đầu tư vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa; đầu tư giống, tạm ứng vốn và tiêu thụ lúa; không đầu tư, chỉ tiêu thụ lúa...
Thực hiện Mô hình “Cánh đồng liên kết sản xuất lúa an toàn theo chuỗi giá trị”, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự phối hợp với Ủy ban nhân dân hai xã Thường Phước 1 và Thường Lạc triển khai mô hình trong vụ Hè Thu năm 2024 với diện tích 400 ha, với hơn 200 hộ nông dân tham gia. Tham gia mô hình “Cánh đồng liên kết sản xuất lúa an toàn theo chuỗi giá trị”, bà con nông dân được hỗ trợ chi phí 50% lượng lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật. Qua liên kết sản xuất lúa bà con nông dân bán với giá cao hơn 200 đồng/kg.
Ông Ngô Thanh Bình ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cho biết, ông đã liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch. Từ đó, mỗi vụ, ước tính năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với những giống khác, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Liên kết sản xuất lúa giống được mua cao hơn với giá lúa thường từ 500 - 800 đồng/kg.
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, ở huyện Cao Lãnh có hơn 25.000 ha lúa liên kết tiêu thụ với công ty, doanh nghiệp, mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ. Huyện Cao Lãnh đẩy mạnh tổ chức kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn để liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa. Đối với các nơi chưa có hợp tác xã, tổ hợp tác, địa phương phát huy vai trò của các hội quán, tổ nhân dân tự quản để làm cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp trong liên kết. Liên kết sản xuất lúa trên tinh thần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, doanh nghiệp và người dân.
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đưa 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.