Để cụ thể hóa mục tiêu giảm tổn thất, ngành điện đã đề ra và thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện hệ thống lưới điện, tối ưu hóa vận hành hệ thống điện, thực hiện tiết kiệm điện… và thực tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức rất lớn mà ngành điện phải đối diện để tiếp tục giảm mức tổn thất điện năng.
Vì sao cần giảm tổn thất điện?
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổn thất điện năng đã giảm đáng kể từ 12,23% vào năm 2003 xuống còn 6,25% vào năm 2022, đưa tỷ lệ tổn thất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sát ngưỡng kỹ thuật, ngang bằng với nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Tổn thất điện năng trên lưới điện được hiểu là lượng điện năng tiêu hao cho quá trình truyền tải và phân phối điện từ nguồn điện đến các hộ tiêu thụ điện cuối cùng. Trong đó, tổn thất kỹ thuật là tất yếu xảy ra trong quá trình truyền tải điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bao gồm các tổn thất nhiệt trên các thiết bị điện truyền tải, các đường dây, tổn thất do vầng quang,…
Tổn thất phi kỹ thuật là tình trạng vi phạm trong sử dụng điện như: Lấy cắp điện dưới nhiều hình thức, do chủ quan của người quản lý khi mất pha, công tơ hỏng, sai lệch…
Theo ThS. Vũ Đức Quang, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2), việc giảm tổn thất điện năng là một vấn đề quan trọng trong ngành điện, vì góp phần giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí nguyên liệu và môi trường cũng như độ tin cậy của hệ thống điện. Những khoản tiết kiệm này có thể được sử dụng để đầu tư vào các công trình hạ tầng mới nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy của hệ thống cũng như chất lượng của các dịch vụ điện.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm tổn thất điện năng trên hệ thống điện, chẳng hạn như các thiết bị đo lường và điểu khiển thông minh, sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác điều độ và vận hành hệ thống, giúp tăng độ ổn định của hệ thống, góp phần tăng tính hiệu quả và khả năng sử dụng tối đa các nguồn năng lượng.
Tuy vậy, ông Vũ Đức Quang cho hay, để tiếp tục giảm chỉ số này, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.
Với địa hình đất nước dài và hẹp, tài nguyên năng lượng phân bố không đồng đều với các nguồn điện tập trung ở các khu vực khác nhau với hệ thống lưới điện truyền tải hết sức rộng lớn... Để đáp ứng cân bằng cung cầu điện trên toàn quốc, phần lớn công suất hệ thống phải truyền tải trên các trục đường dây 500kV, 220kV liên miền, việc này làm gia tăng tổn thất điện năng.
Các chuyên gia ngành điện cũng cho rằng, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện không đồng đều tại ba miền; cũng như nhu cầu điện năng tại ba miền không đồng đều dẫn đến khó khăn trong việc huy động nguồn tối ưu để giảm tổn thất điện năng trên lưới điện.
Đối với lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối, tốc độ tăng trưởng nhanh của phụ tải khiến nhiều đường dây, máy biến áp phải vận hành đầy, quá tải vào cao điểm, nhất là thời điểm nắng nóng. Đây cũng là nguyên nhân khiến mục tiêu giảm tổn thất điện năng gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp lưới điện nhằm hiện đại hóa lưới điện, nâng cao năng lực cung cấp điện, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật trong đó có giảm tổn thất điện năng vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là vấn đề thu xếp vốn.
Về tổn thất phi kỹ thuật, việc thiếu ý thức, muốn dùng điện thoải mái nhưng lại không muốn chi trả cho việc sử dụng quá đà của mình, nhiều cá nhân, tập thể đã thực hiện các hành vi trộm cắp, gian lận trong quá trình mua bán, sử dụng điện. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong kiểm soát tổn thất điện năng, thất thoát về tài chính và gây ra mất công bằng trong sử dụng điện.
Có còn dư địa giảm?
Theo Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, tổn thất điện phụ thuộc nhiều vào đặc điểm hệ thống điện và chi phí đầu tư cho hệ thống. Nếu muốn tiếp tục giảm, sẽ phải đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện và phải cân nhắc đến hiệu quả của dự án và khả năng thu hồi vốn đầu tư. Đối với vấn đề đầu tư, đây là trở ngại lớn nhất trong những năm qua trong thực hiện giảm tổn thất điện.
EVN thực hiện đầu tư phát triển hệ thống điện theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Quy hoạch, nhiều công trình điện đã bị chậm tiến độ do thiếu vốn, ách tắc trong giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công không đảm bảo đúng tiến độ cam kết. Lưới điện không theo kịp tăng trưởng phụ tải dẫn đến đầy, quá tải đường dây, trạm biến áp..., kéo theo đó, tổn thất điện của các đơn vị sẽ tăng.
Năm 2023, EVN đặt mục tiêu tổn thất điện năng giảm còn 6,15%. Đây là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh quá nhiều khó khăn về vận hành hệ thống điện. Thực tế, tổn thất điện đã giảm thấp sát ngưỡng kỹ thuật, nên các biến động về nguồn, tải so với dự báo hay chậm tiến độ công trình đều ảnh hưởng đến kết quả giảm của đơn vị.
Tại Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), đơn vị đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành có hiệu quả hệ thống tính toán tỉ lệ tổn thất điện năng online cho toàn bộ lưới điện. Hệ thống có thể quản lý chính xác tổn thất khu vực của gần 750 tuyến dây trung thế và hơn 31.000 trạm biến áp phân phối. Từ đó, giúp cho việc giảm tổn thất được thực hiện chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần vào việc giảm tổn thất điện năng bền vững.
Theo Chủ tịch HĐTV EVNHCMC Phạm Quốc Bảo, tất cả các kết quả tính toán tỉ lệ tổn thất điện năng đều được gắn với các thông tin thống kê tại thời điểm tính toán về, bao gồm: tỉ lệ số điểm đo có đo xa, tỉ lệ kết nối (online/offline); có/không có biến động lưới điện, biến động điểm đo; cảnh báo vận hành, cảnh báo bất thường hệ thống đo đếm… Dựa vào đó, EVNHCMC đã xây dựng nguyên tắc lọc thông minh, liệt kê giúp cho việc khoanh vùng, xử lý khiếm khuyết một cách dễ dàng.
Ths Vũ Đức Quang cho rằng, dư địa để giảm tổn thất là vẫn còn và để giảm tổn thất điện năng hiệu quả, các Tổng công ty Điện lực cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện, nhất là những khu vực lưới điện đã xuống cấp, tỉ lệ tổn thất điện năng lớn.
Song song đó, cần tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, chương trình tiết kiệm điện, góp phần nâng cao ý thức, sự tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, người dân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quảng bá, khuyến khích thay thế các thiết bị điện lỗi thời, hiệu suất thấp bằng các công nghệ mới, hiệu suất cao, nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng điện ở từng hộ gia đình… Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý triệt để hành vi phá hoại, trộm cắp điện trái phép…