Vì vậy, tỉnh Tuyên Quang đã huy động các lực lượng nỗ lực tuyên truyền vận động sự ủng hộ của nhân dân; linh hoạt các giải pháp trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm công khai, minh bạch… Nhờ đó, người dân nơi dự án đi qua đều đồng thuận, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để dự án sớm được thi công.
Xã Bạch Xa là một trong 11 xã, thị trấn của huyện Hàm Yên có tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đi qua. Ông La Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên cho hay, xã Bạch Xa là xã có đường cao tốc đi qua dài nhất với 7,8 km, đi qua 8/10 thôn, chiếm 15% đoạn đường cao tốc qua địa bàn huyện với tổng diện tích đất thu hồi trên 718.000 m2. Số hộ có đất và tài sản trên đất đường cao tốc đi qua phải thu hồi là 213 hộ, số mộ phải di dời là 116 mộ, chiếm 1/3 số phần mộ toàn huyện phải di chuyển.
Theo ông La Văn Hạnh, để tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết vướng mắc của người dân. Đặc biệt, việc di dời mộ là một việc khó, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, có những phong tục tập quán về mồ mả, thở cúng riêng. Để thực hiện công việc này, cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể tổ chức nhiều cuộc họp thôn, họp nhóm hộ dân, trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động giải thích; huy động sự vào cuộc của những người có uy tín, các thầy mo, thầy cúng trong tuyên truyền vận động. Đến nay, các hộ đã cơ bản nhận tiền đền bù, 100% số mồ mả cũng di chuyển thành công.
Anh Nông Văn Thìn, Bí thư Chi bộ thôn Nà Quan cùng gia đình là một trong những hộ đầu tiên của xã Bạch Xa thực hiện giải phóng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Anh Nông Văn Thìn, thôn Nà Quan, xã Bạch Xa cho hay, sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phát huy tinh thần gương mẫu của người đảng viên, anh đã vận động bố mẹ và gia đình chị ruột đồng thuận nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao trên 10.500 m2 đất gồm: nhà ở, ruộng và vườn cây để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đồng thời, bà con trong thôn Nà Quan cũng rất đoàn kết, đồng thuận, nhận hỗ trợ đền bù, khẩn trương giải phóng mặt bằng phục vụ thi công. Người dân mong muốn, sau khi tuyến đường hoàn thiện sẽ giúp bộ mặt nông thôn địa phương ngày càng phát triển.
Theo ông Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện huyện Hàm Yên, nhờ tích cực triển khai giải phóng mặt bằng, đến nay huyện đã thực hiện giải phóng hơn 29,95/48,16km. Địa phương cũng đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 1.197/1.588 hộ và 1.070 hộ đã nhận tiền bồi thường; hoàn thành di chuyển toàn bộ 335 mộ…
Tại huyện Yên Sơn, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đi qua địa phận các xã Nhữ Khê, Chân Sơn, Lang Quán và Tứ Quận với chiều dài 17,48 km, tổng diện tích đất thu hồi dự kiến trên 149 ha.
Ông Hà Văn Thị, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Quận cho biết: Ngay sau khi có chủ trương xây dựng tuyến cao tốc, cấp ủy, chính quyền xã Tứ Quận phối hợp với cán bộ chuyên môn của huyện đã tổ chức họp với các thôn, xóm có đường cao tốc đi qua, quán triệt các văn bản, giải thích và phân tích ý nghĩa của tuyến đường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như góp phần quan trọng trong kết nối giao thương liên vùng.
Gia đình bà Đào Thị Nhuần là một trong số 175 gia đình của xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn có đất nằm trong diện tích thu hồi phục vụ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.
Bà Đào Thị Nhuần chia sẻ: “Nhà cửa, ruộng vườn bao năm xây dựng, lao động mà có, dỡ bỏ tài sản cũng xót xa và tiếc lắm. Qua nhiều cuộc họp thôn và cán bộ thôn, xã cũng trực tiếp đến nhà phân tích, gia đình tôi hiểu công trình cao tốc có ý nghĩa rất lớn giúp phát triển kinh tế - xã hội nên hoàn toàn ủng hộ, đồng thuận nhận đền bù, giải phóng diện tích trên 2.200 m2 đất gồm: nhà ở, vườn đồi và ao cá.
Ông Nguyễn Mạnh Thuấn, Trưởng Ban Tuyên Giáo huyện Yên Sơn cho biết, để thực hiện hiệu quả việc vận động đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đường cao Tuyên Quang – Hà Giang trên địa bàn, huyện thành lập 4 tổ công tác gồm: Tổ tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin dư luận liên quan dự án; Tổ tư vấn giải quyết đơn thư, khiếu nại; Tổ nghiệp vụ về giao đất tái định cư và cấp phép xây dựng nhà ở, quản lý quy hoạch xây dựng Khu tái định cư; Tổ thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng và Khu tái định cư thực hiện dự án. Thành viên các tổ đều là người đứng đầu, cán bộ các ban, ngành chuyên môn của huyện, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính pháp pháp luật của Nhà nước, bám sát chỉ đạo của tỉnh, các cơ chế, chính sách trên địa bàn để tuyên truyền vận động nhân dân, đồng thuận ủng hộ. Qua đó, các thông tin được chia sẻ hai chiều giữa nhân dân và chính quyền, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang được chia thành 3 tiểu dự án, giao UBND thành phố Tuyên Quang và các huyện Yên Sơn, Hàm Yên làm chủ đầu tư theo địa giới hành chính. Hiện nay, các địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công hơn 45 km toàn tuyến, đạt 64,63% kế hoạch.
Thời gian tới, chính quyền các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua phải tiếp tục đẩy manh tiến độ giải phóng mặt bằng; các ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các huyện Hàm Yên, Yên Sơn hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ phục vụ đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo mục tiêu hoàn thiện mặt bằng và hạ tầng các khu tái định cư trước ngày 30/5/2024.
Bên cạnh đó, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân; phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đồng thuận, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.