Vài tháng gần đây, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm tập trung quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang "than ngắn, thở dài" vì gia cầm rớt giá thê thảm khiến họ thua lỗ triền miên. Vì vậy, nhiều hộ dân không còn mặn mà với việc chăn nuôi gia cầm và đang lên kế hoạch giảm số lượng đàn, thậm chí để trống chuồng trại.
Huyện Tam Dương là địa bàn chăn nuôi phát triển nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Vài năm qua, chính quyền địa phương đã có các cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất ở những gò đồi hoang, cằn cỗi giao đất cho người dân xây dựng khu chăn nuôi tập trung; chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp dân tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ giống vật nuôi có chất lượng cao... Đây cũng là động lực giúp người chăn nuôi phát triển mạnh kết hợp với kinh tế vườn đồi tại các xã miền núi và trung du của huyện như các xã Kim Long, Đồng Tĩnh, Thanh Vân, Hướng Đạo, Hoàng Hoa...
Hiện tại, toàn huyện Tam Dương có 166 trang trại, trong đó có 121 trang trại chuyên chăn nuôi, 41 trang trại tổng hợp, 4 trang trại nuôi trồng thuỷ sản; và gần 1.800 gia trại, phần lớn tập trung ở Tam Dương chăn nuôi gia cầm. Nhờ đó, năm 2012, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm % tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện, tăng 10% so với năm 2011. Nếu như trước đây, chỉ có các trang trại thuộc các tỉnh phía Nam mới có lời cả tỷ đồng/năm, thì nay ở huyện Tam Dương cũng đã có những gia đình đạt được mức thu nhập này.
Tuy nhiên, suốt vài tháng qua người chăn nuôi ở Tam Dương phải đối mặt với tình trạng gia cầm rớt giá, không bằng giá thành sản xuất, tiểu thương lại được đà ép giá nên tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Đối với gà thịt loại lông màu trắng bán tại chuồng với giá 22.000 đồng đến 23.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Tương tự, gà thịt có lông màu vàng giá hiện nay khoảng 54.000 đồng đến 55.000 đồng/kg, nhưng nông dân ở Tam Dương chỉ bán được 48.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi kg gà, người chăn nuôi đang bị lỗ từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/kg.
Xác định hướng đi lâu dài, sáu năm qua, ông Phùng Văn Sơn, thôn 6, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, đã mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm và nhanh chóng làm giàu từ nghề này. Thế nhưng, chỉ vài tháng qua, giá gà giảm mạnh khiến ông đứng ngồi không yên. Với 5.000 con gà các loại hiện nay, ông Sơn nhẩm tính mỗi ngày, gia đình ông lỗ 2,5 triệu đồng. Nếu tình hình còn kéo dài, ông phải dừng lại không dám đầu tư, tiến tới giảm đàn, thậm chí là ngừng nuôi.
Ông Sơn chia sẻ sở dĩ giá gia cầm rẻ như hiện nay là do thời tiết vài tháng qua nắng nóng, không phải mùa cưới hỏi, lễ nghĩa... do đó người dân ít dùng thực phẩm hơn. Bên cạnh đó, việc quản lý chưa chặt chẽ khiến các mặt hàng cùng chủng loại, hay thực phẩm kém chất lượng từ bên kia biên giới tràn vào phá giá thị trường Việt Nam . Ngoài ra, công tác chế biến, bảo quản ở các tỉnh, thành vừa thiếu, vừa yếu, chưa mở rộng được thị trường mang tính ổn định.
Cũng nằm trong hoàn cảnh trên, ông Đào Xuân Hải, đầu tư trang trại gà tại khu Đồng Tâm, xã Kim Long, huyện Tam Dương có tới 35.000 con gà bố mẹ các loại, nhờ đàn gà bố mẹ hầu hết là giống tốt, trang thiết bị ấp, nhân giống hiện đại. Do đó, trang trại sản xuất giống ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, có lúc không đủ cung ứng cho khách hàng.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, người dân đang thu hẹp chăn nuôi, ông Hải bắt đầu tính toán và thu hẹp quy mô sản xuất giống. Ông Hải tâm sự: "Mình vẫn hy vọng rất lớn vào con gà, cho dù có lúc thất bại nhưng đánh giá tổng thể thì "thắng trận" là nhiều, còn "bại trận" ít hơn. Nếu đầu tư "ra tấm, ra món" chịu học hỏi để nắm bắt nhu cầu thực của thị trường thì người chăn nuôi ít rủi ro và chắc chắc vẫn sống khỏe từ nuôi gà.
Chia sẻ những khó khăn trên của người chăn nuôi, ông Lê Quang Chung thuộc Phòng Nông nghiệp huyện Tam Dương cho biết cùng với sự bất thường về giá, hiện nay, cung cầu đối với sản phẩm chăn nuôi có nhiều bất hợp lý, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao, còn người chăn nuôi thì phải chịu lỗ.
Theo ông Chung, một con lợn, con gà từ khi xuất chuồng có quá nhiều khâu trung gian. Sau khi xuất chuồng, sản phẩm được tiểu thương mua, đến lò mổ, vận chuyển, kiểm dịch, chợ đầu mối, sau đó tỏa đi khắp hệ thống siêu thị, chợ rồi mới đến người tiêu dùng.
Bình luận về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề lưu thông hàng hóa, mua gian bán lận ở thị trường đang bất ổn. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến giá gà làm sẵn và qua chế biến ở hàng quán tại các thành phố lớn cao hơn gần chục gà mua tại trang trại.
Đề cập tới tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc, cho hay để có thể tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lâu dài cần phải thực hiện đồng bộ về cách thức tổ chức sản xuất, trong đó cần phải có đột phá từ khâu giống.
Gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương trong tỉnh... có kế hoạch giải quyết vấn đề đất đai để xây dựng các khu chăn nuôi tập trung; xây dựng mức trần tối đa đối với từng nội dung được hỗ trợ; nghiên cứu lại mô hình chuỗi sản xuất; làm rõ cơ chế kiểm soát thức ăn chăn nuôi, đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường; tiếp tục tính toán, rà soát, chỉnh sửa tờ trình trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị trước khi trình hội đồng nhân dân tỉnh.
Nguyễn Trọng Lịch