Đây là nhận xét của nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý sau 1 năm quy định bắt buộc xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera giám sát hành trình đi vào cuộc sống.
Doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn
Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020), trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.
Sau một 1 năm triển khai, theo ghi nhận của Hiêp hội Vận tải ô tô Việt Nam, quy định này đã nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước bởi đây là một giải pháp quan trọng mang lại lợi ích "kép" giúp việc quản lý, ngăn ngừa và xử lý sai phạm diễn ra tốt hơn.
Sau khi lắp camera giám sát hành trình trên xe ô tô, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên cả nước đều ghi nhận hiệu quả ban đầu. Chia sẻ về câu chuyện sau khi lắp đặt camera giám sát hành trình, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Tiến Hưng (Thái Bình) cho biết, công ty có gần 20 xe ô tô đăng ký kinh doanh vận tải hành khách chạy tuyến cố định. Sau khi nhà nước bắt buộc phải lắp camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải, doanh nghiệp cũng khắc phục khó khăn về kinh tế để trang bị cho các xe của doanh nghiệp.
“Qua một năm triển khai, hệ thống camera giám sát hành trình đã mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích thiết thực, chủ doanh nghiệp có thể giám sát được thái độ của lái xe, việc thực hiện quy định về an toàn giao thông, thắt dây an toàn, nghe điện thoại... trong khi điều khiển phương tiện. Đặc biệt camera giám sát hành trình rất có hiệu quả để xử lý những vụ việc như va chạm giao thông, hành khách để quên đồ trên xe…”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Khánh, Giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam bày tỏ, việc lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đã khiến các tài xế có ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông. Trước đây, khi chưa có camera giám sát, trong quá trình điều khiển phương tiện, tài xế vẫn hay có thói quen dùng điện thoại, hay quên đeo dây an toàn, chở hàng hóa…
“Camera giám sát 24/24h, nếu như lái xe vi phạm là có bộ phận giám sát của doanh nghiệp nhắc nhở ngay. Ngoài ra, trên đường đi nếu gặp sự cố không may xảy ra thì chính nhờ camera giám sát mới có thể xác định được nguyên nhân một cách nhanh chóng", ông Khánh chia sẻ.
Đánh giá về những lợi ích khi lắp đặt camera giám sát, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (Hãng xe Sao Việt Lào Cai) cho biết, kể từ ngày lắp đặt camera giám sát hành trình, việc quản lý lái xe của công ty cũng dễ dàng, đơn giản hơn. Cán bộ điều độ chỉ việc ngồi ở máy tính công ty có thể nắm được tất cả thông tin: hoạt động, tốc độ, buồng lái… của tất cả các xe. Các lái xe cũng ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy của công ty khi tham gia giao thông trên đường.
Còn theo đại diện Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang, doanh nghiệp đã lắp đặt camera giám sát hành trình đối với gần 200 xe, đạt 100% số xe tham gia vận tải hành khách tại đơn vị. Từ khi lắp đặt camera giám sát hành trình trên xe, công tác quản lý, vận hành của đội đã chặt chẽ, hiệu quả hơn nhiều. Đặc biệt, trước đây, để ngăn chặn tình trạng tiêu cực của phụ xe như thu tiền nhưng không đưa vé, giấu bớt số tiền bán vé trên xe, công ty đã phải bố trí hàng chục nhân viên soát vé, thanh tra giả làm hành khách đi xe hoặc lập các chốt, trạm để kiểm tra, đối chiếu số lượng hành khách và số vé đã bán trên đường.
Tuy nhiên, từ khi lắp đặt đầy đủ camera giám sát hành trình trên xe khách, lực lượng thanh tra, giám sát trên đã được giải tán, góp phần tinh giảm nhân lực, thu gọn bộ máy, giúp công ty giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, việc trích xuất dữ liệu camera giám sát hành trình trên xe còn giúp công ty xác minh, trả lại nhiều đồ đạc có giá trị do hành khách vô ý để quên trên xe khách.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay, phần lớn doanh nghiệp vận tải đã lắp camera đúng Tiêu chuẩn (TCVN13396) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. TCVN-13396 quy định cụ thể đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ và quy định về thử nghiệm, đánh giá thiết bị.
“Nhờ vậy, lái xe không lơ là việc đeo dây đai an toàn; không nghe điện thoại như trước kia. Điều thể hiện rõ nhất là ở trên khoang hành khách không có hàng hóa. Sau khi kết nối vào dữ liệu trên hệ thống, nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật", bà Hiền nhấn mạnh.
Cũng theo bà Phan Thị Thu Hiền, thông qua hình ảnh trích xuất từ camera giám sát, các cơ quan chức năng đã kịp thời tố giác, phanh phui rất nhiều vụ việc được xã hội quan tâm như: sàm sỡ trên xe buýt, hành hung, cướp giật….góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên mỗi chuyến xe.
Áp dụng AI cho camera cho xe kinh doanh vận tải
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến 15/11/2022, toàn quốc đã có khoảng 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera và truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam trên tổng số khoảng 205.000 phương tiện kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP (đạt hơn 95%). Việc lắp camera giám sát hành trình đã giúp doanh nghiệp và cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động trên xe; đồng thời, có được dữ liệu thông tin cần thiết để sử dụng, trích xuất khi cần xác minh lại sự việc liên quan.
Để góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải đánh giá về giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Qua kiểm tra, hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã chủ động phát hiện tình trạng hình ảnh không đạt chất lượng, lái xe sử dụng điện thoại, không đeo khẩu trang, không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện gây nguy hiểm cho hành khách, người tham gia giao thông cũng như chính lái - phụ xe.
Theo đánh giá, việc áp dụng AI trên camera giám sát trong thời gian tới tiếp tục là bước thay đổi quan trọng hỗ trợ đắc lực trong việc quản lý, đảm bảo an toàn, giữ vững an ninh trật tự trên xe, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, trong thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông ở các địa phương thường xuyên kiểm tra việc lắp đặt camera giám sát hành trình trên các phương tiện. Qua kiểm tra cho thấy, có nhiều trường hợp dù phương tiện đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát hành trình nhưng việc trích xuất dữ liệu không thực hiện được. Nguyên nhân được nhận định là doanh nghiệp đã lắp camera giám sát hành trình chưa đạt chuẩn. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như do tín hiệu mạng không ổn định nên tại nhiều thời điểm, khu vực, hình ảnh dữ liệu bị ngắt quãng, không hiển thị được.
Ông Nguyễn Xuân Bảo, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh thông tin, qua 1 năm thực hiện lắp camera giám sát hành trình đã tạo điều kiện cho đơn vị quản lý kiểm soát tốt hơn phương tiện vận tải và người điều khiển. Tuy nhiên, theo quy định thì việc ghi lại hình ảnh chỉ có hiệu lực 2 ngày cũng gây bất cập cho đơn vị quản lý. Ví dụ, thông qua dữ liệu truyền về, nếu thấy lái xe có vi phạm nhưng cố tình chây ỳ lên làm việc thì dữ liệu đó sau 2 ngày không còn hiệu lực nên việc xử lý vi phạm khó khăn.
Đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Cục đã phối hợp với Tập đoàn VNPT và Viettel xây dựng hệ thống thử nghiệm để tiếp nhận dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải của khoảng 200.000 phương tiện trên toàn quốc.
Trong quá trình xây dựng hệ thống, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị công nghệ hàng đầu hiện nay gồm Viettel và VNPT để xây dựng các giải pháp tiếp nhận dữ liệu lớn, giải pháp lưu trữ và xử lý dữ liệu bigdata, áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý hình ảnh để phát hiện vi phạm…đồng thời áp dụng các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin theo đúng quy định…