Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội thông qua đã cho phép tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 năm nay.
Ngay lập tức, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 72 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là lần thứ 4 Quốc hội, Chính phủ ra quyết định giảm thuế giá trị gia tăng, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), nhận định, việc giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp khắc phục được một phần biến động giá hàng nhập khẩu từ bên ngoài.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế.
Dưới góc độ của người tiêu dùng, chị Trương Hồng Hạnh (Hà Nội) cho biết, nói giảm 2% có vẻ ít nhưng thực tế cộng lại cũng là khoản tiền. "Gia đình tôi cuối tuần hay đi siêu thị mua đồ cho cả tuần, hóa đơn thường hơn 2 triệu đồng. Vậy với mức giảm này, tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 40 nghìn đồng. Cộng cả năm vào cũng là một số tiền lớn trong điều kiện kinh tế như hiện nay”, chị Hạnh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc một công ty thi công thiết kế cho biết, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp cho một số sản phẩm có giá thành thấp, lợi nhuận vì thế cũng có thể tăng lên.
“Đây là nguồn “trợ lực” rất quý với công ty chúng tôi trong thời điểm hiện nay”, ông Nguyễn Thành Trung nói.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời thụ hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho 6 tháng cuối năm nay, cơ quan này vừa có Công điện hỏa tốc gửi Cục thuế các địa phương, đề nghị chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cho người nộp thuế được biết.
Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngay khi có thông tin giảm thuế giá trị gia tăng, Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách thuế mới bằng nhiều hình thức phù hợp, dễ tiếp cận, để người dân và doanh nghiệp nắm bắt và được thụ hưởng kịp thời; trong đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ; phổ biến, hướng dẫn chính sách thuế đến người nộp thuế một cách nhanh chóng và hiệu quả; nâng cao chất lượng tin, bài trên Trang thông tin điện tử cục thuế, Website Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Fanpage và Zalo cục thuế, xem đây là hình thức tuyên truyền có hiệu quả và thiết thực đối với người nộp thuế.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Tổng cục Thuế) thì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% vừa được ban hành lần thứ 4, còn chính sách gia hạn nộp thuế vừa được ban hành lần thứ 5, thực hiện từ Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XV, là những chính sách về tài khóa chưa từng có tiền lệ, được thực hiện trong thời gian kéo dài. Điều này cho thấy sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với người dân, doanh nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đúng với tinh thần trong Nghị quyết 93 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tài chính ước tính việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 47.000 tỷ đồng.
Theo đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã được thực hiện vào năm 2022, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Nếu như năm 2021, chưa áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4.789.000 tỷ đồng. Còn năm 2022 sau khi áp dụng giảm thuế 2%, thì con số này đã lên 5.679.000 tỷ đồng, tăng 19%. Năm 2023, tiếp tục tăng lên 6.231.000 tỷ đồng...