Những chiếc máy gặt đập liên hợp đang “đua nhau” chạy trên cánh đồng lúa chín vàng ươm, thơm ngát. Người người hân hoan niềm vui, nhất là với những nông hộ lần đầu tiên sản xuất giống ST24.
Trước đó, năm 2019 giống lúa ST24 được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp trồng khảo nghiệm 5ha và đạt năng suất nổi trội. Trước hiệu quả vượt trội so với các giống thường trồng trước đây từ 2-3 tấn/ha, năm 2020 có 20 hộ dân chọn giống lúa ST24 trồng trên diện tích 10ha đến nay đã mang lại hiệu quả 6-7 tấn/ha.
Đứng trên khoảnh ruộng lúa trồng giống ST24 vừa thu hoạch, ông Vũ Khắc Tăng ngụ tại ấp 4, xã Hưng Phước không dấu nỗi vui mừng. Vụ hè thu năm nay gia đình ông Tăng thay giống lúa mới trên diện tích gần 0,4ha và phát triển rất tốt.
“Trước khi trồng giống lúa ST24, gia đình tôi chủ yếu sử dụng giống Đài Thơm, VD20 trên cánh đồng này. Qua một thời gian canh tác, hiệu quả giống cũ không cao nên tôi cũng như bà con ở đây rất muốn chuyển đổi giống có chất lượng hơn. Sau khi biết giống ST24 được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện trồng thử nghiệm mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi mạnh dạn chuyển sang trồng giống ST24. Đến ngày gần thu hoạch, giống này có ưu điểm bông to, hạt dài, sinh trưởng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở đây”, ông Tăng cho biết.
Theo ông Tăng, khi xuống giống ST24, nhiều hộ dân nhận thấy nhược điểm lúc đầu cây nhỏ, mới gieo có mùi thơm nên lo lắng sâu bệnh tấn công trong thời gian từ 1-7 ngày. Tuy nhiên, sau khi bà con tuân thủ và làm theo khuyến cáo của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì lúa phát triển rất nhanh. Vượt qua giai đoạn sinh trưởng, bà con đã nhận thấy rõ ưu điểm của giống này có hạt nhiều hơn so với các giống trước kia. Nếu giống cũ năng suất từ 3-3,5 tấn/ha, thì giống ST24 thu về trên 6 tấn/ha.
Còn ông Đỗ Xuân Thân cũng ở ấp 4, xã Hưng Phước với kinh nghiệm trên 20 năm trồng lúa nước cũng bất ngờ khi lần đầu tiên trên địa bàn có giống phát triển tốt và năng suất cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, giống lúa ST24 hơn hẳn các giống trước như là bông thấp hơn lá nên tránh sự thu hút của sâu bệnh gây hại.
Ông Thân cho biết: “Sâu bọ gây hại cũng ít hơn trước từ khi áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ an toàn. Ngày xưa mỗi nhà mỗi ý, bón nhiều loại phân bón khác nhau. Bây giờ bà con trồng giống này phải theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo hạt gạo sạch. Điều chúng tôi vui mừng hơn nữa là lúa ST24 được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giống trước kia”.
Những hộ dân trồng giống ST24 được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp hướng dẫn sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng hữu cơ an toàn, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa. “Lúc bắt đầu trồng giống mới, khi xử lý đất chúng tôi sử dụng các men, các nấm đối kháng để xử lý đất thì nó sẽ hạn chế được sâu bệnh hại. Khi xuất hiện sâu bệnh hại chúng tôi sử dụng thuốc gốc tính chất sinh học để mang lại chất lượng hạt gạo”, ông Thân chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Quyền Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho hay, năm 2019 trung tâm đã đưa giống ST24 về để trồng thử nghiệm tại địa phương và cho năng suất rất cao từ 7 tấn/ha trở lên. Chính vì vậy, năm 2020 trung tâm đã triển khai cho bà con trồng tại xã Hưng Phước liên kết 4 nhà để sản xuất ra gạo Bù Đốp.
Với diện tích canh tác lúa nước ở huyện biên giới Bù Đốp khoảng 1.800 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hưng Phước, Phước Thiện, Thanh Hòa... nếu tận dụng diện tích và nguồn nước tưới thì lúa, gạo sẽ là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương.
“Trước kia, bà con nông dân sản xuất lúa Đài Thơm, VD20... chỉ thu về lợi nhuận từ 20-25 triệu/ha. Tuy nhiên, sản xuất giống ST24 đúng quy trình thì bà con thu lãi từ 40 triệu đồng trở lên. Chính tỏ hiệu quả về thay đổi về giống, thay đổi về canh tác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu cánh đồng làm được 3 vụ lúa thì bà con sẽ có lãi khoảng 120 triệu đồng/vụ. Hiện nay đã thêm nhiều hộ dân chuyển sang trồng giống này”, ông Bắc nhấn mạnh.
Ngoài ra, với diện tích lúa lớn, nếu bà con sản xuất đúng quy trình, đúng giống, và đặc biệt là áp dụng theo hướng hữu cơ an toàn sẽ tạo ra thương hiệu gạo tiêu thụ ở địa phương sẽ không đủ chứ không nói đến bán ra địa phương khác. Bà con cần chăm sóc giống lúa này phải đúng quy trình kỹ thuật theo khuyến cáo của các nhà khoa học.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành, những năm qua, địa phương luôn xác định đây là một vùng trọng điểm lương thực.
Hiện tại huyện đã có các mô hình sản xuất lúa nước, đưa các giống lúa có năng suất, hiệu quả, năng suất tốt trồng đại trà như giống ST24 và ST25; đồng thời hướng dẫn bà con nông dân xây dựng thương hiệu gạo Bù Đốp để sản phẩm lúa có chỗ đứng trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, cần làm tốt vai trò thủy lợi, sử dụng tốt hệ thống thủy lợi, đầu tư thêm các kênh mương nội đồng, các hồ đập để thực hiện tốt phòng chống hạn hán, tăng vụ lúa từ 1 đến 3 vụ.
Hơn nữa, hiện nay Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đã liên kết cùng Công ty Plant Care Việt Nam-đơn vị thu mua lúa gạo cam kết thu mua toàn bộ sản lượng lúa giống ST24 khi trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ an toàn với giá 9.000 đồng/kg.
Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, trong mùa vụ tiếp theo dự kiến diện tích trồng lúa ST24 sẽ tăng lên trên 30ha. Ngoài ra, huyện Bù Đốp sẽ tạo mọi điều kiện đầu tư hệ thống kênh mương, thủy lợi để giúp người dân nhân rộng trồng giống lúa ST24; đồng thời quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao mang tên Bù Đốp.