Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư công thực hiện ước đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,8% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, ước tỷ lệ giải ngân đến hết ngày 30/6 là 28% kế hoạch, đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; có 12/44 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, vấn đề giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch đã có bước chuyển biến đáng khích lệ, đáp ứng về thời gian của các nhà thầu.
Mặc dù vậy, giải ngân vốn đầu tư công vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, như: vướng mắc liên quan tới phân bổ vốn; giải phóng mặt bằng; cơ chế chính sách giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; biến động giá và khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu cho thi công.
Cùng với đó là một bộ phận cán bộ thực hiện nhiệm vụ sợ sai, sợ trách nhiệm... Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... Đây là khó khăn, vướng mắc này đã được chỉ ra trong nhiều năm qua, nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Còn theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Linh, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn thấp do việc phối hợp giữa chủ đầu tư và các địa phương chưa chặt chẽ. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Năng lực triển khai thi công của một số nhà thầu còn hạn chế; chất lượng chuẩn bị dự án chưa cao…
Bên cạnh đó, là việc thiếu hụt nguyên vật liệu san lấp nền ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của một số địa phương, còn có hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng ngọt. Từ đó, gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình…
Trước thực trạng này, Chính phủ và các địa phương đã xử lý cho từng dự án ở từng vùng. Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024 hoặc đến khi hoàn thành các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ kiên quyết chỉ đạo và đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm quốc gia. Điều này nhằm phát huy vai trò kích hoạt, tạo không gian phát triển mới, dẫn dắt các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, giải pháp quan trọng nhất, đó chính là sự tự giác, sự quyết liệt ở các đơn vị tổ chức, các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai thi công các công trình. Cùng với đó là giải pháp phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, Trung ương và địa phương trong việc xử lý các tình huống. Bởi, trong đầu tư công có rất nhiều các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện như: điều chỉnh dự án, thay đổi các cơ chế chính sách hay các giải pháp...
“Mỗi một giải pháp hiện nay, mỗi một việc thay đổi điều chỉnh đều có những quy định cụ thể, rõ ràng và phải thực hiện các quy trình đó. Điều quan trọng nhất là phải nhanh thì các địa phương mới có thể làm cho quá trình đầu tư công không bị ngắt quãng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Hải Dương là một trong những địa phương có tốc độ giải ngân đạt thấp. Tính đến 27/6, lũy kế giá trị giải ngân năm 2024 là 469 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch vốn cấp đầu năm và đạt 12% kế hoạch vốn cấp năm 2024. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - Lưu Văn Bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, ngành không được để xảy ra tình trạng kéo dài, vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực trong quá trình triển khai dự án.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo làm rõ trách nhiệm các chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các địa phương với sở, ngành chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; bám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công để có sự giám sát, đánh giá chặt chẽ và chính xác về việc giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng đó, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng.