Lùi lịch điều chỉnh giá xăng dầu
Theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, 1/9 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước nên sẽ được dời sang ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, tức là ngày 5/9.
Hiện giá bán các loại xăng dầu ngày 31/8 đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng lên mức 23.339 đồng/lít, xăng RON95 lên 24.601 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 71 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, xuống mức 22.354 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu hỏa tăng 420 đồng/lít, lên 22.309 đồng/lít và dầu mazut tăng 313 đồng/kg, không cao hơn 17.981 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng lần thứ 5 liên tiếp trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Trên thị trường thế giới, sau khi giảm nhẹ vào tuần trước, giá xăng dầu tuần này có xu hướng tăng cao. Ngày 30/8, theo dữ liệu từ Oilprice, giá dầu Brent có thời điểm tăng vượt 86 USD/thùng, còn giá dầu WTI tiến sát mức 82 USD/thùng.
Giá xăng dầu của Việt Nam có sự liên thông chặt chẽ với giá dầu thô thế giới. Vì vậy, những biến động của giá xăng dầu thế giới sẽ liên quan trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Nhận định về giá xăng dầu tại kỳ điều hành sắp tới, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho hay, giá xăng trong nước được dự báo sẽ có những điều chỉnh nhẹ, căn cứ theo biến động của giá xăng, dầu thế giới trong những ngày sắp tới.
Đảm bảo đủ xăng dầu trong mọi tình huống
Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có Chỉ thị 09 yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh giá bán lẻ, nguồn cung trong nước đang chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và lệnh cấm của EU với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga cũng như việc hạn chế sản lượng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Nhằm tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Trường hợp có diễn biến bất thường về nguồn cung, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh phân giao tổng nguồn, bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối có đủ năng lực để đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu nhiều đơn vị thuộc Bộ Công Thương làm việc với các đơn vị liên quan để xem xét tăng nguồn lực về dự trữ quốc gia, theo dõi sát hoạt động của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Với các doanh nghiệp đầu mối, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay đã được phân giao. Doanh nghiệp phải chủ động nguồn hàng trong nước và nhập khẩu, thực hiện dự trữ, cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
"Doanh nghiệp đầu mối tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Trong mọi tình huống phải cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ trực thuộc hệ thống phân phối", Chỉ thị của Bộ Công Thương nêu rõ.
Đáng chú ý, Chỉ thị cũng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối cũng có trách nhiệm chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý để không gián đoạn cung ứng cho thị trường.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng kiểm tra thường xuyên, đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong kinh doanh xăng dầu.
Với các địa phương, ngoài tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, Sở Công Thương các tỉnh tăng giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Việc này nhằm không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán không lý do, gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung cục bộ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, ước tính mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 21-22 triệu tấn xăng dầu các loại cho tiêu dùng, sản xuất . Hiện nguồn cung trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, còn lại nhập khẩu. Trong 7 tháng của năm 2023, hai nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được khoảng 8,1 triệu tấn xăng dầu các loại, riêng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 53% sản lượng. Ước tính có khoảng 6,13 triệu tấn xăng dầu được Việt Nam nhập về trong 7 tháng đầu năm.