Những cách hiểu khác nhau về quy định hàng thiết yếu, quy định thời gian test COVID-19 không thống nhất, phải thay đổi tài xế khi vào địa phương, chi phí xét nghiệm cao... đã khiến chuỗi cung ứng càng gian nan.
Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn trong thời gian áp dụng giãn cách để duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T: Nhiều khó khăn ban đầu
Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T có 5 nhà máy sơ chế đặt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thu mua trái cây trên phạm vi toàn vùng, đưa hàng về Tp. Hồ Chí Minh xuất khẩu nên khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công ty đã gặp không ít khó khăn.
Khó khăn lớn nhất là thời gian đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg khi mỗi địa phương hiểu quy định cho phép vận chuyển “hàng hóa thiết yếu” theo một cách khác nhau và yêu cầu thủ tục xét nghiệm COVID-19 cũng khác nhau.
Theo đó, có tình trạng, cùng một xe chở hàng, 1 tài xế đi qua 5 địa phương nhưng có chốt thì được công nhận hàng thiết yếu và cho qua, có chốt không công nhận và yêu cầu quay đầu xe hay có địa phương yêu cầu giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 âm tính trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ nhưng cũng có địa phương yêu cầu xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ.
Cũng trong thời gian này, nhiều địa phương giới hạn thời gian người dân có thể ra đường khiến các hợp tác xã khó khăn trong thu hoạch, doanh nghiệp khó tiếp cận vùng nguyên liệu, cộng thêm việc phải tìm đơn vị vận chuyển dẫn tới nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản phải tạm ngừng hoạt động. Công ty Vina T&T dù tự chủ được lực lượng lao động nhưng thời gian làm việc bị rút ngắn nên năng suất giảm mạnh, không kịp tiêu thụ hết trái cây tươi cho nông dân, không đủ hàng để cung ứng cho khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố còn yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công Thương trước khi vào địa phương… cũng khiến nhiều tài xế, đặc biệt là tài xế xe tải đường dài “nản”.
Sau khi nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản ánh các bất cập trên, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải đã có các kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ cũng như yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương ban hành chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt.
Với sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các ngành liên quan, đến nay việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa tại các tỉnh phía Nam đã được thông suốt. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch tại các địa phương đã được nới lỏng, quy định về xét nghiệm tài xế được thống nhất theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế, doanh nghiệp đã có thể vận chuyển hàng hóa một cách thuận lợi.
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, tỉnh Bình Phước: Nên đảm bảo vận chuyển thuận lợi cả về nguyên liệu, thiết bị
Trong thời gian 19 tỉnh thành khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến điều xuất khẩu.
Mặc dù nguồn nguyên liệu nhập khẩu và hàng hóa được lưu thông tốt theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng trong quá trình sản xuất, máy móc chế biến cũng sẽ đến lúc bị hư hỏng, cần phải thay thế để tiếp tục sản xuất các đơn hàng. Tuy nhiên, trong suốt 4 tháng TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, Hoàng Sơn 1 đặt hàng cho khách hàng thì được, nhưng khâu nhận hàng gặp nhiều khó khăn, chậm trễ, làm chậm tiến độ sản xuất. Điều này đã gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Thay vì trước đây tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ đạt 25%/tháng, thì hiện nay Hoàng Sơn 1 chỉ giữ mức 0%.
Trong sản xuất và chế biến thực phẩm, một nhà máy không chỉ cần nguyên liệu, mà còn cần rất nhiều trang thiết bị, phụ kiện khác. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp chế biến điều nói riêng và doanh nghiệp nói chung kiến nghị chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần có chính sách đặc biệt đối với các doanh nghiệp.
Mặc dù Công ty Hoàng Sơn 1 nằm trong vùng xanh của tỉnh Bình Phước, nhưng các hoạt động giao thương, sản xuất, dịch vụ có liên đới với nhiều địa phương khác, nên doanh nghiệp rất cần mối liên kết trong vận chuyển trang thiết bị phục vụ nhà máy sản xuất, ngoài việc vận chuyển nguyên liệu. Một nhà máy có nguyên liệu, nhưng nếu không có một dây chuyền công nghệ sản xuất hoàn chỉnh thì cũng sẽ không hoạt động được.
Ông Trịnh Hoàng Sơn, Công ty Vận tải Ngọc Lan (thành phố Cần Thơ): Gánh nặng chi phí test nhanh
Công ty Vận tải Ngọc Lan chuyên nhận hàng hóa ở các tỉnh Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh về giao hàng cho các doanh nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây.
Bên cạnh những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua, điều gây khó nhất hiện nay là việc thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần cho tài xế.
Với 60 tài xế, nếu tính cả phụ xe là hơn 80 người, trung bình mỗi tháng, chi phí test nhanh công ty phải bỏ ra khoảng 300 – 350 triệu đồng. Do đặc thù là hoạt động liên tỉnh nên mỗi khi giấy chứng nhận âm tính gần hết hạn tài xế phải tìm chỗ để xét nghiệm ngay mới đảm bảo quy định để được giao nhận hàng hóa. Thậm chí, hiện nay có một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long khi lái xe đến chốt kiểm soát vào tỉnh vẫn bị yêu cầu xét nghiệm lại, dù giấy chứng nhận vẫn còn thời hạn.
Tình trạng này khiến nhiều lái xe nản đang xin nghỉ việc trong khi họ đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Ngoài ra, do các địa phương mới nới lỏng giãn cách xã hội, các đơn vị sản xuất vẫn chưa phục hồi nên hàng hóa không có nhiều. Nếu như trước dịch, hầu như cả 60 xe đều hoạt động hết công suất, chở hàng 2 chiều thì hiện giờ chỉ còn một chiều đi, chiều về là xe rỗng.
Để có thể cáng đáng chi phí hoạt động, công ty đã tính đến phương án bán bớt xe để có tiền trang trải trong thời gian này.
Cùng với đó, việc tìm lái xe thời điểm này rất khó khăn. Gần một nửa số lái xe hiện đang làm việc cho công ty là người mới được tuyển dụng nhưng trước việc phải xét nghiệm thường xuyên, nhiều người nản đã xin nghỉ việc.
Các cơ quan chức năng nên xem xét kéo dài thời hạn giấy chứng nhận test COVID-19 cho tài xế để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nhiều tài xế đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 mà vẫn thực hiện xét nghiệm trong 72 giờ là chưa hợp lý. Điều này làm tăng chi phí đồng thời gia tăng gánh nặng lên các doanh nghiệp vốn đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian dịch bệnh.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương: Thiếu nhân lực
Ngoài phí container xuất khẩu 4-5 lần so với trước đây, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tại Bình Dương đang đối diện với nhiều khó khăn “bủa vây”.
Hiện doanh nghiệp hoạt động trong nghề xuất khẩu đang phải chịu chi phí rất lớn về quy định lái xe container phải xét nghiệm COVID-19 bắt buộc 2 lần/7 ngày. Mặc dù Bộ Y tế công bố giá thành test xét nghiệm thấp, nhưng thực tế các cơ sở y tế tư nhân lấy phí 300.000 đồng/lần test.
Trong khi đó, do tình hình dịch bệnh kéo dài, giá thuê nhân công lao động logistics bắt đầu tăng cao, thậm chí còn khan hiếm không thuê được. Ngoài ra, số đầu kéo container ngày càng ít do nhân công nghỉ tránh dịch cũng gây áp lực thêm cho doanh nghiệp xuất khẩu phải “chạy vạy” tìm các nguồn cung khác với giá “đắt đỏ”.
Thêm vào đó, ngành giao thông vận tải; trong đó logistics chuyên về xuất khẩu hàng hóa đang chịu gánh nặng mới phát sinh đó là giá xăng dầu tăng khá cao, đội thêm chi phí đầu vào khiến ngành hàng xuất khẩu đã khó nay càng khó hơn.
Nhà nước xem xét có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ gấp cho lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Nhất là, cởi trói giấy thông hành cần giảm bớt các thủ tục quy định như giảm việc test kháng nguyên vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Đối với người tiêm đủ 2 mũi vaccine và 1 mũi đủ 14 ngày là đủ điều kiện để được cấp phép “thẻ xanh” thông hành.
Bài 3: Cho hành trình kết nối