Người tiêu dùng cần nêu cao khẩu hiệu “người tiêu dùng thông minh”, tránh chủ quan, lơ là trong việc sử dụng điện và không để hiểu nhầm giữa giá điện và số điện tiêu thụ.
Theo EVNSPC, để trực tiếp theo dõi và so sánh chỉ số điện tiêu thụ hằng ngày, hằng tháng của các năm, khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam có thể tải ứng dụng “CSKH EVNSPC” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android) về các thiết bị di động để trực tiếp theo dõi, tra cứu thông tin.
Khi phát hiện có bất thường về số lượng điện tiêu thụ điện hoặc bất kỳ thắc mắc nào về điện, khách hàng có thể liên hệ ngay đến trung tâm chăm sóc khách hàng của ngành điện miền Nam qua số tổng đài 19001006 – 19009000 để được tư vấn, giải thích.
EVNSPC cho biết thêm, đối với khách hàng sử dụng điện tại các tỉnh phía Nam khuyến khích khách hàng tương tác với ngành điện qua trang web Chăm sóc khách hàng https://cskh.evnspc.vn/ để có trải nghiệm và thông tin đầy đủ hơn về các dịch vụ mà ngành điện đang cung cấp.
Đó là, tra cứu các thông tin lịch ghi điện, chỉ số điện tiêu thụ, hóa đơn tiền điện, thông tin vận hành, biểu đồ phụ tải, thông tin mất điện. Đồng thời, cung cấp tất cả các dịch vụ điện trực tuyến, và các hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả,…
Để chuẩn bị tốt công tác giải quyết thắc mắc hóa đơn tiền điện khách hàng vào thời điểm mùa khô, nắng nóng sắp tới, EVNSPC đã chỉ đạo Trung tâm chăm sóc khách hàng tăng cường lực lượng điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khách hàng qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng; thiết lập hệ thống liên lạc qua email/Zalo/… để thông tin nhanh các trường hợp búc xúc của khách hàng đến lãnh đạo các đơn vị kịp thời xử lý.
Để khách hàng có thông tin rõ ràng đối chiếu với thực tế hoạt động ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện của điện lực, EVNSPC chỉ đạo 21 công ty điện lực thành viên tuân thủ nghiêm quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện, cụ thể: Niêm yết công khai lịch ghi chỉ số, đảm bảo khách hàng có thể giám sát được.
Ngày ghi chỉ số công tơ khách hàng đúng với lịch ghi chỉ số đã lập; với khách hàng ghi thủ công nhân viên đến địa điểm sử dụng điện của khách hàng và ghi nhận sản lượng, kiểm tra tại chỗ 100% các trường hợp có tăng giảm hơn 30% so với kỳ trước.
Trường hợp công tơ đo đếm đặt trong phạm vi khách hàng quản lý, sau 2 lần đến không ghi được chỉ số, cho phép đơn vị tạm tính điện tiêu thụ bằng tháng trước hoặc chỉ số công tơ khách hàng tự báo, nhưng không được quá 2 chu kỳ liên tiếp; trường hợp thu thập số liệu tự động (qua hệ thống đo ghi từ xa,..) nếu không thu thập được số liệu, bộ phận GCS báo cáo lãnh đạo đơn vị và tiến hành khắc phục trong ≤ 48h.
Theo EVNSPC, đối với thiết bị điện dân dụng, các gia đình cần vệ sinh chùi rửa, bôi dầu nhờn theo mùa như quạt điện, quạt hút… làm vệ sinh máy lạnh, quạt thông gió; kiểm tra toàn bộ hệ thống dây diện trong gia đình, nếu phát hiện mối nối phải xử lý ngay để tránh tình trạng phát nhiệt, có nguy cơ xảy ra cháy nổ.
Nếu dây diện quá nhỏ cần thay ngay để phù hợp với phụ tải; khi sử dụng phòng , không mở cửa ra vào thường xuyên, không sử dụng các thiết bị điện có tính năng tỏa nhiệt trong phòng như bàn ủi, lò nướng, ấm điện, điện trở nấu nước nóng…
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kiểm tra hệ thống thông gió, làm mát. Nên sử dụng ánh sáng giếng trời, gió thông thóang tự nhiên để làm sạch và khô ráo nhà xưởng; làm vệ sinh các thiết bị máy móc, thiết bị sử dụng điện, nhà kho, kho đông… kiểm tra bảo trì bảo dưỡng định kỳ mùa khô; sử dụng điện như đã cam kết với ngành điện về phụ tải và khung giờ đã đăng ký, hoặc hạ công suất khi có yêu cầu của ngành điện do phụ tải tăng đột ngột…
Riêng đối với điều hòa nhiệt độ, theo chuyên gia kỹ thuật, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.
Thời tiết khu vực các tỉnh thành phía Nam bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô, những ngày đầu tháng 3/2021, khu vực miền Nam thời tiết chuyển sang oi bức, nắng nóng, nhiệt độ lên cao từ 36-37 độ C. Đài khí tượng thủy văn quốc gia dự báo khảnăng nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng, từ nay đến tháng 4, có khả năng xảy ra tình trạng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ có thể lên đến 39 độ C. Các đợt nắng nóng kéo dài thường đến tháng 6.
Nắng nóng, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao, chủ yếu do gia tăng sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát, theo đó tiền điện phải trả cũng tăng. Với diễn biến thời tiết nắng nóng còn tiếp diễn trong vài tháng, việc sử dụng điện hiệu quả, cũng như vấn đề hóa đơn tiền điện càng được quan tâm.
Theo số liệu của Tổng công công ty Điện lực miền Nam, công suất cao nhất của hệ thống điện trong 3 ngày 3,4,5/3/2020 khu vực 21 tỉnh thành phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau- không bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh) tăng hơn 11% so với công suất cao nhất những ngày đầu tháng 2/2021 (dù là thời điểm cận Tết tiêu thụ điện cao).
Thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố lưới điện do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày, ngay cả ban đêm cũng rất oi bức. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.