Bộ Công Thương cho biết, lượng hạn ngạch thuế quan ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu năm 2021 theo cam kết của Hiệp định CPTPP có 72 xe; trong đó có 36 xe dung tích động cơ trên 3.000 cm3 và 36 xe có dung tích động cơ từ 3.000 cm3 trở xuống.
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá từ ngày 8 đến ngày 24/3/2021 và thời gian tổ chức đấu giá vào ngày 5/4/2021. Tuy nhiên, do quá thời hạn nộp hồ sơ vào tháng 3 nhưng không có doanh nghiệp nào tham gia nên Bộ không tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng này.
Trường hợp này cũng xảy ra tương tự như năm 2020 - năm đầu tiên thực hiện phiên đấu giá theo cam kết CPTPP, khi Bộ Công Thương tổ chức phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 66 ô tô đã qua sử dụng và chỉ có 2 doanh nghiệp trúng đấu giá với giá khởi điểm 30 triệu đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại không thực hiện được do không có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô hoặc không có ủy thác cho doanh nghiệp có Giấy phép này tham gia.
Thông tư 04/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 22/1/2020 quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương nêu rõ, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan này phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ khi làm thủ tục nhập khẩu.
Đồng thời phải đáp ứng các quy định của pháp luật hiện hành về quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, các quy định về cửa khẩu nhập khẩu ô tô. Số lượng hạn ngạch theo cam kết trong Hiệp định CPTPP được tăng dần hàng năm kéo dài đến năm 2034 là 150 xe và từ năm 2035 trở đi sẽ duy trì với số lượng này.
Điểm đáng chú ý, để nhập khẩu ô tô cũ từ các nước đã ký Hiệp định CPTPP về Việt Nam, bên cạnh đáp ứng các điều kiện của Thông tư 04, các doanh nghiệp còn đáp ứng được các điều kiện quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.
Thông tư 04/2021/TT-BCT nêu rõ: “Các quy định về bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe ô tô được thực hiện theo Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô”. Trong đó, doanh nghiệp phải có các giấy phép nhập khẩu, giấy ủy quyền triệu hồi, bảo dưỡng, có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải, xuất xứ của xe…
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An - doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong mảng kinh doanh xe ô tô nhập khẩu cho biết, các doanh nghiệp tham gia đấu giá thường là những doanh nghiệp nhỏ nên không có giấy phép nhập khẩu. Còn những doanh nghiệp lớn đủ điều kiện họ tập trung sản xuất lắp ráp hoặc phân phối xe nhập khẩu mới chứ không nhập khẩu xe cũ về Việt Nam.
Khi tham gia đấu giá doanh nghiệp được lợi về thuế theo cam kết của Hiệp định CPTPP, nhưng vẫn phải đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định 116 là phải có trạm bảo hành bảo dưỡng chính hãng. Điều này chỉ có các hãng xe lớn mới thực hiện được, nhưng họ đang tập trung cho các sản phẩm chủ lực từ lắp ráp hoặc nhập khẩu xe mới về phân phối chứ không nhập khẩu xe cũ về.
Ngoài ra, 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, nhưng có đến 6 nước sử dụng ô tô tay lái nghịch, ở những thị trường còn lại không có xe phù hợp với điều kiện Việt Nam nên không có nhiều lựa chọn. Cùng với đó, doanh nghiệp có nhập xe về được lại vướng các điều kiện của Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Điều này thể hiện ở năm 2020, phiên đấu giá hạn ngạch nhập khẩu ô tô cũ đã qua sử dụng được tổ chức thu hút sự quan tâm nhiều doanh nghiệp, nhưng khi đấu giá xong doanh nghiệp không nhập được xe về do không đáp ứng được các điều kiện của Thông tư 04 và Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Đây cũng là lý do trong tháng 2 vừa qua, Bộ Công Thương có thông báo cho doanh nghiệp về kế hoạch bán hồ sơ đấu giá, nhưng các doanh nghiệp không tham gia. Mặc dù vậy, đây là chính sách mà các nước áp đặt theo thỏa thuận cam kết trong CPTPP nên cơ quan chức năng vẫn thực hiện đúng cam kết về việc mở hồ sơ và thực hiện đấu giá.
Ngoài ra, xe cũ nhập khẩu về còn phải cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước cũng như xe nhập khẩu do thuế nhập khẩu ô tô mới đã và đang giảm dần, còn thuế suất thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng đã giảm về 0%. Do đó, hiện ô tô mới bán ở trong nước cũng đã rẻ hơn trước, lại có nhiều thương hiệu mẫu mã cũng như phân khúc và thủ tục kinh doanh xe ở trong nước cũng không rườm rà như xe ô tô cũ nhập khẩu.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia ô tô lâu năm, ông Vĩnh Nam cho rằng, có nhiều điều kiện doanh nghiệp không đáp ứng được từ Thông tư 04 của Bộ Công Thương và Nghị định 116/2017/NĐ-CP, nhất là các điều kiện liên quan đến bảo hành, bảo dưỡng… nên doanh nghiệp khó thực hiện.
Hơn nữa, chi phí để nhập khẩu xe trong thời điểm COVID-19 như hiện nay sẽ rất khó cho doanh nghiệp từ phí nhân công, phí vận chuyển và các loại phí khác đang tăng rất cao, khi bài toán lãi lỗ doanh nghiệp đang phải tính toán cho từng chiếc xe một chứ không phải tính theo cả lô xe.
Đặc biệt, thị trường xe đã qua sử dụng được nhập khẩu từ nước ngoài về hiện nay ít được ưa chuộng do giá thành một chiếc xe nhập về (nếu được thông quan đầy đủ các thủ tục) giá cũng bằng hoặc cao hơn xe mới cùng phân khúc đang được phân phối tại Việt Nam. Hiện nay, trên thị trường cũng có vài lô xe mới nhập khẩu dưới dạng quà biếu và đang tập trung nhập các xe lạ, hiếm, đắt tiền nên khách hàng ưu chuộng các loại xe này hơn là xe cũ được nhập về.
Hay, Mercedes-Benz Việt Nam cũng đang có một kênh phân phối các xe đã qua sử dụng với nhiều chủng loại, từ dòng thấp nhất như C-Class đến cao cấp nhất là S-Class hay Maybach với giá bán hấp dẫn kèm theo chính sách bảo hành chính hãng lên đến 3 - 5 năm cũng làm cho khách hàng yên tâm hơn khi chọn xe đã qua sử dụng.
Ngoài ra, các hãng xe ở Việt Nam cũng đang phân phối nhiều dòng xe khác nhau dưới dạng lắp ráp và nhập khẩu với nhiều chủng loại, nhiều trang bị hiện đại và giá cũng hợp lý nên khách hàng cũng an tâm khi mua các dòng xe này thay vì đi mua xe đã qua sử dụng.