Mang 'cần câu' đến cho dân

Những vườn nhãn được mùa sai trĩu quả, những đồi chè xanh trải dài tít tắp, hàng chục trang trại gia đình được đầu tư quy mô đã thu về hiệu quả kinh tế cao, đóng góp thành quả trong chương trình xây dựng nông thôn mới nhờ phát huy nội lực ở xã Trung Thành (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) cải thiện bộ mặt nông thôn nơi đây và thúc đẩy kinh tế từng bước phát triển.

Mang “cần câu” đến cho dân

Những ngày đầu tiến hành xây dựng nông thôn mới, xã Trung Thành gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do trình độ nhận thức còn hạn chế, người dân nơi đây cho rằng xây dựng nông thôn mới là sẽ làm mới mọi thứ bằng kinh phí của Chính phủ cấp. Khi cán bộ vận động cùng chung sức, đồng lòng thực hiện chương trình này thì họ dửng dưng và việc đóng góp ngày công hay ủng hộ kinh phí là chuyện không dễ.

Người nông dân được mùa nhãn. Ảnh: khuyennong.vn


Xác định rõ nguyên nhân, Đảng bộ và chính quyền xã Trung Thành đã xây dựng kế hoạch tuyền truyền, phổ biến cho nhân dân nắm được chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu tìm ra phương hướng giúp dân thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó, nhất là với một địa phương có tỉ lệ lao động nông nghiệp lên tới gần 90%.

Xã đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gồm 21 thành viên do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban chỉ đạo. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên… phối hợp thành lập tiểu ban tuyên truyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các xóm, thôn, bản. Công tác vận động, tuyên truyền đã phát huy hiệu quả khi bà con dần nhận ra ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới nên đã hưởng ứng và tham gia rất nhiệt tình. Những công trình nằm trong kế hoạch xây dựng đều được triển khai thuận lợi, người dân sẵn sàng tham gia đóng góp ngày công, tự nguyện hiến đất mở đường… Tổng diện tích đất do dân tự nguyện hiến để làm đường lên đến gần 8.000 m2.

Ông Nông Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành khẳng định, cho người dân cái cần câu hơn là cho họ con cá. Người dân Trung Thành cần cù, chịu khó, điều kiện tự nhiên và thiên nhiên thuận lợi, đất đai đồi núi nơi đây rộng, ít xảy ra thiên tai nên rất phù hợp với việc phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình. Quan trọng là định hướng cho họ làm kinh tế phù hợp với điều kiện và năng lực của từng gia đình. Bên cạnh việc cử người đi học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã cũng vận động người dân chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng. Những mô hình kinh tế nông thôn hiệu quả như trồng chanh bốn mùa, trồng chè, trồng cam, nuôi cá rô phi đơn tính, chăn nuôi lợn quy mô lớn, nuôi hươu sao để lấy nhung… được nông dân hưởng ứng và áp dụng rộng khắp.

Những chủ trang trại nông thôn mới

Cả ngày vất vả đi cùng chúng tôi trên đồng rộng, lên đồi nương hay vào trang trại để tham quan các mô hình làm kinh tế hộ gia đình nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Kim Sơn chưa thấy hài lòng, còn muốn đưa đi để “khoe” tiếp cho dù trời đã tối muộn. Anh hào hứng cho biết: Vẫn còn nhiều mô hình hay lắm, lần sau sẽ đưa các anh tham quan những mô hình mới. Nhờ phát huy nội lực, chỉ vài năm nữa thôi, nông thôn mới ở Trung Thành sẽ đem lại hiệu quả.

Theo thống kê, xã Trung Thành hiện có 22 trang trại chuyên nuôi lợn thịt có quy mô từ 30 con trở lên và 50 trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng. Thu nhập bình quân của xã là 15 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ trên 20% năm 2011 xuống còn 15% năm 2013. Đây là kết quả rất đáng mừng với một xã miền núi cho dù xã mới chỉ đạt được 9/19 tiêu chí nông thôn mới.

Anh Đỗ Minh Phương (36 tuổi, thôn Trung Sơn, xã Trung Thành), chủ trang trại nuôi lợn rừng rộng 2 ha chia sẻ: Gia đình đầu tư xây dựng mô hình này được khoảng 1 năm nhưng đã có kết quả đáng mừng. Nuôi lợn rừng vất vả hơn so với nuôi lợn bình thường nhưng lại cho lợi nhuận cao hơn nhiều. Năm đầu tiên, gia đình thu được khoảng 200 triệu đồng lợi nhuận. Trong năm tới, gia đình sẽ tiếp tục nhân giống và phát triển mô hình này.


Chúng tôi thật sự ấn tượng khi thăm trang trại của ông Nguyễn Mạnh Huỳnh (55 tuổi, thôn Minh Thành, xã Trung Thành). Trên diện tích đất rộng 6 ha, ông Huỳnh trồng hàng trăm loại cây, nuôi nhiều loại cá, lợn sinh sản, dê, ngan, gà… Đây được coi là một trong số ít trang trại lớn của xã và khi nhắc đến tên ông thì hầu hết bà con đều trầm trồ khen ngợi, luôn coi ông là một tấm gương điển hình cần học và làm theo. Ông Huỳnh chia sẻ: Gia đình ông chăn nuôi và trồng trọt tổng hợp. Trung bình một năm, trừ chi phí gia đình ông có lãi khoảng 300 triệu đồng. Tuy công việc vất vả nhưng bù lại thu nhập cao, có điều kiện lo cho con cái ăn học.

Ông Huỳnh đang ấp ủ một dự án lớn là khôi phục nghề trồng cam sành truyền thống của làng. Theo ông, cam sành của làng Trung Thành những năm 90 của thế kỷ trước nổi tiếng khắp nơi về độ ngon và ngọt, nhưng do giống cây bị sâu bệnh không khắc phục được nên cả làng đành phải bỏ. Hiện nay, ông Huỳnh trồng gần 1.000 gốc cam mới đang phát triển rất tốt. Chỉ 3 năm nữa là vườn cam của gia đình ông Huỳnh có thể cho thu hoạch. Mô hình này cũng đang được nhân rộng và hiện trên toàn xã đã có 30 ha cam được trồng mới.

Mô hình phát triển kinh tế hộ ở Trung Thành đã khẳng định hướng đi đúng đắn không chỉ góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập mà còn tạo nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hướng tới xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Đỗ Bình

Cây xóa nghèo
Cây xóa nghèo

Huyện Mường Nhé là một trong những huyện của tỉnh Điện Biên đã triển khai hiệu quả Quyết định 102, hỗ trợ giống ngô lai cho người dân, mang lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN