Những ngày này, ngang qua địa phận thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, mọi người đều ngỡ ngàng khi thấy bảng hiệu “Chợ Phù Cát - Chợ 4.0 xin chào” treo ngay ngắn trên cổng chính ra vào chợ. Tại đây, hơn 1 tháng qua, tiểu thương lẫn người dân đã dần quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán.
Chị Nguyễn Thị Trúc thường hay đi mua sắm tại chợ Phù Cát. Chị cho hay, thay vì cầm ví, tiền, nay chỉ cần cầm một chiếc điện thoại trên tay là có thể tự tin vào chợ. Mua hàng xong là quét mã QR để thanh toán, giao dịch chỉ diễn ra trong vài giây, rất tiện lợi. Hơn nữa, điều này còn giúp giảm hẳn nạn giật túi, móc ví.
Chị Nguyễn Thị Hảo, một tiểu thương kinh doanh đồ da, mỹ phẩm, quần áo… tại đây phấn khởi cho biết, khách hàng quét mã QR là tiền được chuyển vào tài khoản ngay. Mua gì, bán gì đều có nội dung rõ ràng, cuối ngày mình chỉ việc thống kê lại và ghi vào sổ lưu. Tôi không mất nhiều thời gian để chờ nhận tiền mặt, đếm kỹ và phân biệt tiền giả, tiền thật hoặc sợ trả nhầm cho khách như trước nữa.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thông tin, chuyển đổi số bao gồm rất nhiều nội dung. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, UBND huyện đặc biệt quan tâm tới ứng dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, điển hình là “Chợ 4.0”. Để mô hình ổn định, bền vững, UBND huyện đã lắp đặt hệ thống wifi miễn phí và giao cho Ban Quản lý chợ đảm đương việc duy trì hoạt động và phối hợp với ngân hàng, các đơn vị liên quan lắp đặt mã QR tại gian hàng của các hộ tiểu thương.
“Sở dĩ chợ Phù Cát được chọn thực hiện thí điểm là do tại đây tập trung năng lực thương mại, có số hộ tiểu thương nhiều nhất. Qua tuyên truyền, vận động, đến nay, khoảng 150/500 hộ tiểu thương ủng hộ chủ trương và đồng ý lắp mã QR với phương thức thanh toán tiên tiến. Đánh giá ban đầu, phần lớn người dân đều bày tỏ sự hài lòng. Thời gian tới, UBND huyện sẽ khảo sát, lựa chọn thêm nhiều địa điểm khác để nhân rộng mô hình ra toàn huyện”- ông Nguyễn Văn Hưng nói.
Theo thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Bình Định, tính tới thời điểm hiện tại, 8 chợ đã triển khai mô hình “Chợ công nghệ bình thường mới - Chợ 4.0”; có 855 điểm chấp nhận thanh toán qua ví điện tử với gần 1.500 lượt giao dịch. Tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, ATM, POS, quầy giao dịch ngân hàng thương mại...) là 24.888 nghìn món với tổng giá trị là 340.324 tỷ đồng; có 240 máy ATM và 1.719 máy POS đang hoạt động.100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) hoặc cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định chia sẻ, phương thức thanh toán qua thẻ ngân hàng và trực tuyến qua ứng dụng điện tử là phổ biến hơn cả, được người dân thành thị đến nông thôn lựa chọn. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường vận động, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức liên quan, nhất là các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn chấp nhận, sử dụng phương tiện thanh toán điện tử. Cùng với đó, động viên người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ thanh toán điện tử khi có giao dịch; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.