Mở rộng cơ hội hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

Thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược năm 2009, nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển sâu rộng quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực thương mại.

Ngoài ra, hai bên còn hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt là FTA song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Vì vậy, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ là cơ hội để trao đổi và mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực; trong đó, có thương mại. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty Cổ phần KSA Polymer Hà Nội, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Thuỵ Vân (Phú Thọ). Ảnh (tư liệu) minh họa: Danh Lam/TTXVN

Đối tác tiềm năng

Nhận định về thị trường Hàn Quốc, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Trong quan hệ hợp tác thương mại, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Theo đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)Hàn Quốc sản xuất như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng) và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ.

Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là nguồn cung cấp lớn thứ hai sau Trung Quốc đối với các linh kiện, phụ kiện, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất đặc biệt là các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam. Đáng lưu ý, Hàn Quốc là nước mà Việt Nam có mức nhập siêu lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Nhập siêu với Hàn Quốc mang tính tích cực vì đây là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần phát triển thương mại song phương theo hướng cân bằng nhằm tạo thuận lợi hóa và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Hàn Quốc đa dạng và hiệu quả.

Thống kê cho thấy, năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 76,1 tỷ USD. Riêng 6 tháng năm 2024, tổng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc ước đạt ,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD, tăng 9,9% và nhập khẩu đạt 26,6 tỷ USD, tăng 9,1%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính ghi nhận tăng trưởng gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt, may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại; dây điện và dây cáp điện; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; sản phẩm từ cao su; sản phẩm hóa chất; phân bón các loại.

Ngoài ra, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc phương tiện vận tải khác và phụ tùng; tô nguyên chiếc các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thuốc trừ sâu và nguyên liệu; nguyên phụ liệu dược phẩm; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh...

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, việc hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là kinh tế, thương mại có sự phát triển nhanh chóng. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam đóng góp hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Hanwha, Doosan, Posco, SK... đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của các địa phương Việt Nam, từng bước giúp cho Việt Nam tham gia sâu hơn và rộng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hơn nữa, Hàn Quốc cũng là một trong số ít quốc gia tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Việt Nam. Đây là những cơ chế giúp Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát triển vững chắc, hợp tác bền vững. Ngoài ra, hai nước phấn đấu nhằm sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030, cùng giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa vụ vào thị trường Hàn Quốc.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam. Tại nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác logistics với Hàn Quốc.

Cùng đó, trong buổi làm việc giữa Viện Nghiên cứu Cơ khí với các đối tác Hàn Quốc, ông Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Với nhiệm vụ hợp tác quốc tế với đối tác nước ngoài; trong đó, có Hàn Quốc luôn được chú trọng, đẩy mạnh và hiệu quả. Nhiều kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ đã được thực hiện giữa các viện nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Viện Nghiên cứu Cơ khí nói riêng với các đơn vị Hàn Quốc.

Mở rộng cơ hội

Chú thích ảnh
 Hàng hóa được xếp tại cảng ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Ông Lee Si Hyung - Giám đốc Quỹ LEE & KIM, đại diện cho Zenith Group và các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết: Thời gian tới, một số doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam và có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, dây chuyền thiết bị, xây lắp và dịch vụ kèm theo.

Cụ thể, Công ty Hankook Tire & Technology và DAS bày tỏ mong muốn tìm cơ hội kinh doanh, hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam với dòng sản phẩm mới dành cho xe điện, đồng thời, tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và mở rộng mạng lưới kinh doanh toàn cầu. Bên cạnh đó, Quỹ LEE & KIM cũng mong muốn, Viện Nghiên cứu Cơ khí kết nối để tìm kiếm các cơ hội hợp tác hỗ trợ các tài năng trẻ của Việt Nam và Hàn Quốc khởi nghiệp; các dự án phúc lợi xã hội mang lại lợi ích chung cho cả hai nước.

Ông Lee Si Hyung cũng chia sẻ về dự án của LG Energy Solution dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất pin thế hệ mới dùng cho điện thoại, máy tính bảng với mức đầu tư dự kiến 420 triệu USD; dự án của Hitejinro, công ty sản xuất rượu bia lớn nhất Hàn Quốc mới đây đã quyết định đầu tư 100 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất rượu Soju tại Thái Bình.

Tương tự, nhằm tìm cơ hội đầu tư lĩnh vực công nghiệp tại Tuyên Quang, ông Ko Younghak, Chủ tịch Tập đoàn Tập đoàn KGM Tatadaewoo Hàn Quốc chia sẻ: Tập đoàn cần mặt bằng khoảng 10 ha để xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô, 30 ha để thực dự án nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó Tập đoàn muốn đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và tuyển dụng làm việc cho Tập đoàn tại Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cũng cho rằng, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cần nắm chắc một số nhóm biện pháp phi thuế quan được Hàn Quốc áp dụng. Chẳng hạn, nhóm biện pháp cấp phép nhập khẩu yêu cầu về nhập khẩu của Hàn Quốc điều chỉnh các nhóm hàng như dầu mỏ, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón nông nghiệp, giống cây trồng, động vật và sản phẩm động vật... Trong số các mặt hàng này, việc cấp phép nhập khẩu không gắn với các quy định hạn chế số lượng, ngoại trừ nhập khẩu gạo.

Ngoài ra, nhóm biện pháp về hạn ngạch thuế quan chủ yếu áp dụng với một mặt hàng nông sản và gạo. Tùy theo từng mặt hàng, cơ chế phân bổ hạn ngạch có thể là đấu giá hạn ngạch, phân bổ cho các tổ chức được chỉ định, phân bổ theo nhu cầu thực tế hoặc kết hợp cả ba cơ chế trên. Các công ty thương mại nhà nước thường cộng thêm vào giá một mức lợi nhuận sau khi hàng nhập khẩu đã chịu thuế nhập khẩu trong hạn ngạch, vì thế thường khiến cho giá nhập khẩu bị đẩy lên cao hơn giá của mặt hàng cùng loại trong nước. Mặt khác, Hàn Quốc còn áp dụng hạn ngạch thuế quan ưu đãi tự nguyện đối với các loại nguyên liệu thô, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, bán thành phẩm, linh kiện, phụ kiện và động cơ. Chính sách này của Hàn Quốc nhằm giúp bình ổn giá cả thông qua việc tăng nguồn cung.

Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cũng lưu ý việc Hàn Quốc có hệ thống luật pháp quốc gia bao quát điều chỉnh các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS). Bên cạnh đó, Hàn Quốc yêu cầu tất cả hàng hóa thương mại nhập khẩu vào Hàn Quốc phải được ghi nhãn rõ ràng phần xuất xứ sản phẩm. Riêng mặt hàng dệt may buộc phải có nhãn tiếng Hàn trước khi thông quan vào Hàn Quốc. Các biện pháp phòng vệ thương mại của Hàn Quốc được điều chỉnh bởi Luật Hải quan và Luật Điều tra các hành vi thương mại quốc tế không lành mạnh và cứu trợ đối với thiệt hại của các ngành sản xuất ban hành năm 2001. Các biện pháp cụ thể có thể kể đến như chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ...

Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến nghị: Ngoài chất lượng, hương vị của các sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú trọng đến yếu tố bổ trợ như ổn định sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết giúp đàm phán thuận lợi và giữ chân đối tác lâu dài. Hơn nữa, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam gửi thông tin sản phẩm, nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư với phía Hàn Quốc thường xuyên cho Thương vụ cũng như tham dự hội chợ, hội thảo, hội nghị online/offline do Thương vụ tổ chức. Qua đó, Thương vụ có cơ sở trao đổi với phía Hàn Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả.

Uyên Hương (TTXVN)
Việt Nam-Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
Việt Nam-Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 5/12/2022, ngay sau cuộc hội đàm tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã có cuộc gặp gỡ báo chí, thông tin về những định hướng hợp tác quan trọng mà Lãnh đạo Cấp cao hai bên vừa thống nhất. Theo đó, trên cơ sở thành tựu hợp tác tốt đẹp trong giai đoạn vừa qua, hai nhà lãnh đạo thay mặt cho Nhà nước hai nước, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính bước ngoặt, mở ra những cơ hội to lớn trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN