Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Mobile Money sẽ thí điểm trong vòng hai năm và triển khai đồng bộ trên cả nước. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức.
Hiện nay, số người có điện thoại di động ở Việt Nam là gần 125 triệu thuê bao, trong khi tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng là chỉ là 64%. Khoảng trống còn khá lớn nên hy vọng khi triển khai Mobile Money sẽ có chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ công...
Ngân hàng Nhà nước cho biết, về cơ bản Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Do đó, Mobile Money sẽ là giải pháp góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, mở rộng thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động; mang lại tiện ích cho người sử dụng; tiết giảm chi phí để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc đẩy nhanh tốc độ triển khai Mobile Money để hỗ trợ phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đang được doanh nghiệp và người dân mong chờ.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm MobileMoney, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được 3 doanh nghiệp đăng ký triển khai, gồm: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi nhận đầy đủ hồ sơ của các doanh nghiệp đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an, bởi đây là vấn đề phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hy vọng trong tháng 10 cả ba bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các doanh nghiệp này. Khi đủ điều kiện sẽ quyết định cấp phép để các doanh nghiệp triển khai dịch vụ
Trước lo ngại về việc người dùng bị những hành vi lợi dụng lừa đảo, tấn công tài chính khi thí điểm Mobile Money, Phó Thống đốc cho biết, sự tham gia quản lý của cả 3 bộ gồm: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp đảm bảo an toàn cho người dùng, tránh bị lợi dụng.
Thời gian qua để chuẩn bị cho việc triển khai Mobile Money, các doanh nghiệp viễn thông VNPT, Viettel, MobiFone… đã chuẩn bị phương án, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự và chính sách liên quan.
Phó Tổng giám đốc VNPT Media Nguyễn Sơn Hải cho biết, việc Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và người dân có thêm công cụ thanh toán điện tử. Đây là nền tảng để tiến đến công dân số và xã hội số khi mật độ điện thoại di động phổ cập đến người dân.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, việc thí điểm Mobile Money là nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan. Đây cũng là sandbox được áp dụng cho một lĩnh vực dịch vụ mới, khó và nhạy cảm, nhưng là hình mẫu có thể áp dụng cho nhiều dịch vụ mới sẽ được Chính phủ cho phép thí điểm sau này.
Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cũng cho biết, hiện Viettel đã chuẩn bị mọi nguồn lực như hạ tầng công nghệ, mạng lưới kênh, nguồn nhân lực… để sẵn sàng triển khai Mobile Money ngay khi được cấp phép.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn. Đồng thời, ứng dụng này sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh,phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 316/QĐ-TTG ngày 9/3/2020 phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Hạn mức giao dịch Mobile Money không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng giao dịch.
Quyết định nêu rõ, khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money phải cung cấp Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được Doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động.
Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.