Ngày 20/7, Ấn Độ đã ban hành lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng, trừ gạo basmati, do giá cả trên thị trường nội địa gần đây tăng lên đáng kể. Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hy vọng rằng, lệnh cấm xuất khẩu tạm thời sẽ mở rộng nguồn cung sẵn có cho nội địa, từ đó sẽ có tác dụng làm giảm vòng xoáy giá cả. Quyết định của Ấn Độ đã khiến người dân ở một số bang của Mỹ và Canada đổ xô đi mua gạo.
Tương tự, ở các khu vực khác trên thế giới, quyết định của Ấn Độ đã được quan sát với tâm lý lo lắng, thậm chí là hoảng sợ. Trên hết, phần lớn cộng đồng thiểu số người Ấn Độ ở Bắc Mỹ, những người duy trì truyền thống ăn cơm và chế biến các sản phẩm từ gạo, lo ngại nguồn cung bị tắc nghẽn và do đó đã phản ứng bằng cách ồ ạt đi siêu thị mua tích trữ gạo. Kết quả là, giá trung bình cho mỗi bao 10 kg gạo có thời điểm tăng gấp ba lần so với mức giá trung bình 16 USD.
Bài báo viết khi Ấn Độ can thiệp để điều chỉnh giá cả, điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bởi Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - chiếm khoảng 40% thị phần thế giới, bằng tổng thị phần của cả 4 nước tiếp theo trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Trong tổng số khoảng 56 triệu tấn gạo được giao dịch vào năm ngoái, riêng Ấn Độ đã chiếm 22 triệu tấn, cung cấp cho 140 quốc gia. Trong vòng một năm kể từ giữa năm 2022, giá gạo toàn cầu đã tăng khoảng 14%.
Trước quyết định mới nhất của Ấn Độ cùng những triển vọng khá thận trọng đến ảm đạm khác, các chuyên gia và các tổ chức cứu trợ đang lo ngại về sự gia tăng giá cả đáng kể trong những tuần và tháng tới, thậm chí có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng gạo thực sự.
Tin tức mới nhất làm tăng thêm mối lo ngại của Thái Lan. Lượng mưa theo mùa quan trọng ở nước này cho đến nay thấp hơn khoảng 40% so với mức trung bình. Giới chính trị Thái Lan đang kêu gọi các gia đình nông dân ở các tỉnh miền Trung - vựa lúa của đất nước, chuyển sang các loại cây trồng khác cần ít nước hơn, do cây lúa cần có nước để giữ ướt gốc rễ, đặc biệt là trong giai đoạn sinh trưởng, hiện khó đạt được với điều kiện thời tiết như hiện tại.
Theo một bài báo đăng tải trên tờ Bangkok Post, Cơ quan Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan, thậm chí đang xem xét tạm thời cấm hoàn toàn việc trồng lúa trong khu vực. Các hồ chứa ở các tỉnh Tak, Phitsanulok, Lop Buri và Uttaradit, bốn hồ chứa lớn nhất hiếm khi cạn nước, chỉ còn tổng cộng 9,6 triệu m3 nước - bằng 39% so với mức trung bình. Theo Bangkok Post, chỉ có thể sử dụng được hơn 2,9 triệu m3 trong số này.
Với việc canh tác ít hơn ở các khu vực chính, Thái Lan - nước xuất khẩu lớn thứ ba, sau Ấn Độ và Việt Nam - sẽ không thể thay thế nguồn cung thiếu hụt của Ấn Độ trên thị trường thế giới. Chỉ trong hai tuần qua, giá gạo trên thị trường giao dịch châu Á đã tăng 7 điểm phần trăm, trở lại mức của tháng 4/2020.
Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu tấn gạo dự kiến được giao vào tháng Tám. Theo tờ Business Times của Singapore, các thương nhân từ Việt Nam và Thái Lan hiện đang trong quá trình đàm phán lại giá các hợp đồng xuất khẩu của khoảng 500.000 tấn gạo của mỗi nước.
Cùng với giá lúa mì leo thang do xung đột ở Ukraine, mối đe dọa khủng hoảng gạo đang tác động nặng nề đến một số nước nghèo nhất, bao gồm một số quốc gia ở châu Phi cũng như Bangladesh. Gió mùa đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng của Pakistan và Ấn Độ với lũ lụt lớn, cũng gây ra mất mùa lúa gạo, có thể làm tăng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu.