Một số khoản thu ngân sách nhà nước đạt thấp

Theo Báo cáo Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021 được Chính phủ trình Quốc hội sáng 22/7, Chính phủ thể hiện quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm theo Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội. 

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dự phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đó, dự kiến số thu ngân sách nhà nước cả năm 2021 đạt từ 1,-1,41 triệu tỷ đồng, tăng từ 3,2-5,4%; số chi đạt từ 1,73-1,76 triệu tỷ đồng, tăng từ 2,5-4,3%.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh cho biết, tổng thể tiến độ thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm đạt khá với dự toán thu ngân sách nhà nước 1.343,3 nghìn tỷ đồng; trong đó, số thu đạt 781,2 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, còn một số khoản thu đạt thấp; trong đó, thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước hiện rất khó khăn. Đến nay, ngân sách địa phương mới phát sinh thu 135 tỷ đồng; ngân sách Trung ương chưa thu được trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng dự toán.

Cùng với đó, dịch bệnh gây khó khăn trong sản xuất - kinh doanh đã khiến nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ thuế lớn. Hiện số nợ thuế của doanh nghiệp tăng; trong đó, tổng số nợ thuế nội địa đến 30/6/2021 ước gần 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.

“Tại thời điểm xây dựng và ban hành các chính sách do chưa có thông tin đầy đủ về tác động của dịch bệnh và chưa dự báo hết được diễn biến khó lường, phức tạp của dịch nên dẫn đến tính toán tác động chính sách hỗ trợ ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa sát thực tế”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lý giải.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, đại diện Chính phủ nhấn mạnh, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu ngân sách nhà nước trong các tháng cuối năm.

Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế năm 2020 sang năm 2021 để mua vaccine phòng dịch COVID-19.

Trước đó, năm 2020, trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, căn cứ đề nghị của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung 1.749,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để triển khai một số hoạt động phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, do thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch và hưởng ứng cuộc vận động quyên góp, ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có tài trợ vật tư, trang thiết bị nên đến hết năm còn dư kinh phí. Đến hết năm 2020, Bộ Y tế đã phân bổ, sử dụng 512,5 tỷ đồng, còn dư dự toán 1.237 tỷ đồng.

Thu Hằng – Diệp Anh (TTXVN)
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Kiên định 'mục tiêu kép' trong 6 tháng cuối năm
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Kiên định 'mục tiêu kép' trong 6 tháng cuối năm

Sáng 22/7, trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 với biến chủng mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN