Từ Tết Nguyên đán trở lại đây, anh Nguyễn Tuấn Vinh, chủ shop quần áo tại hồ Đền Lừ (Hà Nội) cho biết, dịch bệnh đã khiến nhiều người dân lo ngại khi đến những điểm đông người, khiến cho doanh thu bán hàng trực tiếp tại cửa hàng giảm hơn 50%. Tuy nhiên, để bù lại lượng khách này, anh Vinh đã đẩy mạnh hơn kênh bán hàng online, giới thiệu sản phẩm qua Zalo, Facebook và khuyến khích khách hàng thanh toán online bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá.
Nhờ đó, doanh thu cửa hàng cũng cải thiện hơn, tổng lượng hàng bán ra tăng thêm được khoảng 30% so với khi không thực hiện mua bán online, anh Vinh cho biết thêm.
Là người buôn bán bánh kẹo, đồ ăn vặt nhỏ lẻ tại nhà, chị Nguyễn Thu Trang (Bạch Mai, Hà Nội) - chủ tài khoản Facebook TrangNguyen cho biết: “Từ 1 tuần nay, tôi nhận các đơn đặt hàng qua mạng online khá nhiều, trung bình 10 - 20 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi có dịch”.
Nắm bắt tâm lý khách hàng hạn chế ra ngoài mua sắm, và để hỗ trợ cho khách mua hàng, chị Trang cho biết đã nhập thêm nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đồng thời không tăng giá và hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần chi phí vận chuyển cho khách (tùy vào khoảng cách).
Không chỉ các cửa hàng, người bán online có số lượng đơn hàng tăng vọt, mà ngay tại các hàng ăn có tiếng của Hà Nội, số lượng “đơn ship” thông qua các ứng dụng Grab, Foody, Aha... cũng tăng lên trông thấy.
Tìm hiểu tại quán Bún ốc tóp mỡ Cô Lý (Bạch Mai) cho thấy, do tâm lý lo ngại của người dân cùng với mưa rét liên tục trong những ngày qua, lượng hàng bán trong ngày của quán giảm đi rõ rệt, ước tính khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên, đơn hàng từ việc bán online đã tăng lên đáng kể, từ 10 - 20 đơn/ngày, đã tăng lên 30 - 40 đơn/ngày.
Cô Lê Thị Lý, chủ quán cho biết, lượng người mua thông qua gọi điện, hay nhờ vận chuyển tăng khá mạnh từ sau Tết đến nay. Hầu hết, khách hàng đều thanh toán thông qua chuyển khoản và nhờ người đến lấy hàng hộ. Bên cạnh đó, những khách thân quen của quán cũng tăng cường đến mua về, thay vì ngồi ăn tại quán. Ước tính số lượng mua hàng qua mạng cũng tăng khoảng 50- 70%.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trong nửa tháng qua, doanh số bán hàng thông qua kênh trực tuyến ở Hà Nội đều có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, trong khi đó, các kênh bán hàng truyền thống, thanh toán tiền mặt lại có phần chững lại.
Anh Nguyễn Văn Linh, chạy đơn Foody cho hay, những ngày vừa qua, lượng đơn hàng từ các quán ăn, nhà hàng và cả những đơn vận chuyển hàng đều tăng rất mạnh. Nguyên nhân là một phần do người dân lo ngại dịch bệnh, nhưng cũng do mưa rét và nhiều sinh viên chưa lên Hà Nội học tập, khiến cho số lượng shipper (người đưa hàng) bị giảm mạnh. Điều này khiến cho anh em shipper tại Hà Nội lúc này luôn ở trong tình trạng quá tải, bởi đơn hàng nhiều mà shipper thì ít.
Anh Linh cũng cho hay, do lo ngại tiếp xúc với tiền mặt nên hầu hết 80% đơn hàng của anh đều được thanh toán online từ trước.
Mới đây, để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch online thay vì giao dịch bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, theo nhiều người tiêu dùng và chuyên gia, nhiều đơn vị đều chạy đua kinh doanh online, vận chuyển hàng nhanh để chiếm thị phần. Do đó, người tiêu dùng cần lựa chọn những cửa hàng uy tín, các đơn vị vận chuyển uy tín, bởi theo phản ánh của người dân, đã có nhiều shipper khi vận chuyển đã mở hàng hoặc làm mất hàng không lý do.
Anh Vũ Ngọc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, mua hàng trực tuyến có hạn chế là không thể trực tiếp thử, kiểm tra sản phẩm, chất lượng nhiều khi không được như kỳ vọng, hay việc giao hàng cũng phải chờ đợi, nhưng trong lúc dịch bệnh diễn biến như hiện nay thì mua sắm online vẫn được gia đình anh và nhiều người tiêu dùng lựa chọn…
Theo chuyên gia PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trực tuyến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị; các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất.
“Việc chống lại tội phạm kỹ thuật cao tương đối khó khăn nhưng chúng ta phải đảm bảo mức an toàn gần như tuyệt đối trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó tăng mức độ tin tưởng của người dân, thúc đẩy người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để đảm bảo phòng tránh hacker cao nhất. Qua một số vụ mất tiền trong tài khoản gần đây, hầu hết nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự thiếu cảnh giác của người dùng, làm lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cũng như mã bảo mật. Do đó, tính cảnh giác của người dùng cần được đặc biệt nâng cao khi thanh toán online...