Mua sắm Tết - Nơi quá tải, nơi đìu hiu

Chỉ còn hơn 1 tuần là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm Tết của người dân ngày càng tăng cao. Nhiều trung tâm bán hàng đã lên kế hoạch chuẩn bị phương án chống quá tải.

Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại của hệ thống siêu thị Big C: Kể từ Tết Dương lịch, lượng khách đến các siêu thị trong hệ thống này đã tăng mạnh. Dự kiến, mãi lực trong tuần lễ cận Tết năm nay sẽ tăng 25% so với năm trước. Để phục vụ tốt mùa mua sắm Tết, từ tháng 7 và 8, hệ thống siêu thị Big C đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng.

Khách đến chợ Bến Thành ngắm nhiều hơn mua. Ảnh: Hải Yên


Cụ thể, hàng bánh, mứt gồm 130 tấn; rau, củ, quả 500 tấn, thịt nguội eBon: 100 tấn… Ngoài ra, siêu thị Big C cũng tăng cường hệ thống quầy thu ngân, lắp đặt thiết bị thanh toán tiền bằng thẻ ATM, Visa, Master; tăng cường nhân viên bán hàng, gói quà và lực lượng an ninh…

Từ 21 - 29 Tết, hệ thống Big C nới rộng giờ mở cửa từ 1 - 2 tiếng so với ngày thường, từ 7 giờ 30 - 23 giờ. Riêng ngày 23/1, Big C Thăng Long mở cửa từ 0 giờ - 22 giờ 30. Trong khung giờ từ 0 giờ - 6 giờ sáng, sẽ có hơn 200 mặt hàng được giảm giá 50%. Tương tự, hệ thống Saigon Co.op cũng mở cửa tất cả các siêu thị trong hệ thống từ 7 giờ - 23 giờ trong tuần lễ sát Tết. Nhân viên thời vụ hỗ trợ việc thanh toán tiền mặt tại các két và dịch vụ bán hàng qua điện thoại, giao hàng miễn phí tận nhà cũng được tăng cường. Ngày mồng 2 Tết, toàn bộ các siêu thị trong hệ thống Saigon Co.op giao dịch mua bán bình thường.

Trái ngược với sự tấp nập của các siêu thị, các chợ truyền thống lại lo đứng lo ngồi vì mãi lực kém mọi năm. Vào thời điểm này mọi năm, các chợ truyền thống nô nức người mua sắm. Song, năm nay không khí ấy chỉ có ở các sạp bán quần áo, vải vóc. Còn tại những gian hàng nông sản, thực phẩm, bánh kẹo..., sức mua lại trầm lắng.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết: “Nếu cách đây nửa tháng, lượng hàng về chợ đạt mức 3.500 - 3.600 tấn/đêm, thì nay, con số này lên 3.700 - 3.900 tấn/đêm, tăng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm 2009.


Dự kiến trong tuần này, khả năng lượng hàng nông sản về chợ sẽ tăng đến 5.000 - 6.000 tấn rau, củ, quả/đêm”. Mặc dù sức mua đang mạnh dần, thương nhân mạnh dạn nhập hàng nhiều, nhưng theo bà Hà, chợ vẫn có thể tồn hàng nhiều.


Theo đó, giá các mặt hàng này được giảm nhằm hút khách. So với Tết năm 2009, giá rau, củ, quả rẻ hơn rất nhiều. Cụ thể, giá củ kiệu tại chợ dao động trong khoảng 18.000 - 22.000 đồng/kg tùy loại, giảm 6.000 - 7.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.


Tương tự, giá quít cũng giảm từ 17.000 đồng xuống còn 14.000 đồng/kg. Dưa hấu dài hiện chỉ 6.000 -7.000 đồng/kg. Riêng dưa hấu tròn để chưng Tết chưa về chợ, nhưng theo các thương nhân, giá dưa tròn có thể sẽ ở mức 20.000 đồng/kg vào cao điểm Tết. Dự báo, giá rau, quả sẽ tăng trong giai đoạn sát Tết, khi lực mua tăng lên ồ ạt. Tuy nhiên, mức tăng cũng không cao hơn Tết 2010.

Còn tại chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Ban quản lý chợ cho biết, lượng hàng về chợ cũng đang liên tục tăng cao, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu. Tại chợ Bình Tây cũng như các chợ bán lẻ trong thành phố như Bến Thành, Bà Chiểu, Hòa Hưng…, các sạp bánh, mứt đầy ngất hàng với nhiều chủng loại hàng khá phong phú… Song, dù chợ tràn ngập hàng, lượng người bán vẫn đông hơn người mua. Theo đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây, nhiều khả năng mãi lực của chợ sẽ không bằng các mùa Tết trước.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN