Đây là sự kiện thường niên, nằm trong chuỗi các chương trình Tập huấn, Đào tạo, Tọa đàm của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.
Buổi tập huấn có sự tham dự của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước và các đại diện Bộ Công Thương; ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV; Ban lãnh đạo MXV và 30 Thành viên thị trường; cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc thường trực MXV, trực tiếp chủ trì buổi tập huấn.
Mục tiêu phát triển thị trường minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả
Nội dung tập huấn gồm 4 phần chính: Phổ biến, giải thích các quy định mới trong Quy chế Thành viên, Bộ Quy định xử lý vi phạm Thành viên của MXV; một số lưu ý đối với Thành viên trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính với MXV; các vấn đề liên quan đến Hạn mức giao dịch, quản lý rủi ro khi thị trường biến động lớn; Quy chế Quản lý, sử dụng ký quỹ bảo đảm tư cách Thành viên và Khoản hỗ trợ rủi ro thanh toán.
Đây là sự kiện thường niên của MXV, nằm trong chuỗi các chương trình tập huấn, đào tạo, tọa đàm của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Mục tiêu của buổi tập huấn nhằm hỗ trợ các Thành viên thị trường cập nhật, hiểu rõ và tuân thủ pháp luật Việt Nam; các quy định của các Sở Giao dịch quốc tế liên thông; và các quy chế, quy định do MXV ban hành. Thông qua các tham luận và ý kiến đóng góp, MXV và các Thành viên thị trường đã trực tiếp tương tác, trao đổi, thảo luận về các vấn đề trọng tâm trong hoạt động tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, từng bước nâng cao sự chuyên nghiệp và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
“Do tính chất liên thông 24/7 với thị trường thế giới, nên MXV đã liên tục cập nhật các quy chế, quy định để đảm bảo các hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam tuân thủ đúng các thay đổi trong quy định của các Sở Giao dịch quốc tế. Đặc biệt, sau những biến động lớn của giá hàng hóa nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm, việc nhanh chóng thay đổi, điều chỉnh và hội nhập với xu hướng chung trên thị trường thế giới là điều rất quan trọng đối với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam”, ông Quỳnh cho biết.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đã đánh giá cao sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong những năm qua, đồng thời nhấn mạnh vai trò của hoạt động giao dịch hàng hóa trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước. Ông Trần Duy Đông đề nghị MXV và các Thành viên thị trường tiếp tục duy trì sự chuyên nghiệp, minh bạch trong công tác tổ chức và vận hành thị trường; liên tục cập nhật, đổi mới để cung cấp các công cụ bảo hiểm giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; giúp giao dịch hàng hóa trở thành một kênh đầu tư hiệu quả của các nhà đầu tư trong nước.
“Sau 4 năm được Bộ Công Thương cho phép liên thông giao dịch với thị trường thế giới, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã ghi nhận những bước phát triển ổn định và tăng trưởng tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng giao dịch hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các kỷ lục giao dịch theo ngày liên tục được phá vỡ trong giai đoạn nửa đầu năm, hứa hẹn sự bùng nổ của thị trường trong 6 tháng cuối năm nay", đại diện MXV chia sẻ.
Với mô hình quản lý 2 cấp, các Thành viên thị trường là những cánh tay nối dài giúp MXV tổ chức và vận hành thị trường một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.
Tính đến cuối tháng 6/2022, MXV đang quản lý 33 Thành viên kinh doanh và 2 Thành viên môi giới, cùng các chi nhánh, văn phòng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Ông Lê Văn Tĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa TP Hồ Chí Minh (TVKD 012 của MXV) cho biết: “Khi các quy chế, quy định được phổ biến và giải thích rõ ràng, sẽ giúp các Thành viên hiểu và tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam cũng như các quy định của các Sở Giao dịch quốc tế. Sự minh bạch, chuyên nghiệp này sẽ được lan truyền đến các nhà đầu tư và đây chính là nền móng để thị trường hàng hóa phát triển ổn định và bền vững trong nhiều năm tới”.
Cũng trong khuôn khổ buổi Tập huấn, các Thành viên đã đưa ra các ý kiến tham luận để phát triển thị trường như: Ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại trong hoạt động giao dịch hàng hoá, tối đa hoá trải nghiệm tiện ích của khách hàng; Kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động phát triển mạng lưới và cách duy trì nhiệt huyết cho đội ngũ kinh doanh ở lĩnh vực giao dịch hàng hoá; Nâng cao năng lực của nhà đầu tư trên thị trường; Phát triển thị trường khu vực miền Trung: Khó khăn và giải pháp; Khó khăn và thách thức gặp phải trong quá trình phát triển khách hàng giao dịch nhóm mặt hàng thế mạnh.
Các nội dung tham luận được đúc rút từ kinh nghiệm phát triển thị trường của các Thành viên, đã mang đến những bài học quý giá đối với tất cả các Thành viên đang hoạt động tại thị trường hàng hóa Việt Nam. Từ các ý kiến đóng góp từ các Thành viên, sẽ là cơ sở để MXV tiếp tục cập nhật và hoàn thiện các quy chế, quy trình để đảm bảo việc tổ chức và vận hành thị trường một cách thông suốt, hiệu quả.
Đánh giá, xếp hạng Thành viên định kỳ hàng năm
Đáng chú ý trong buổi tập huấn này, MXV thông báo tổ chức đánh giá, xếp hạng Thành viên định kỳ hàng năm.
“Đây là sự ghi nhận những đóng góp của thành viên đối với sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa nói chung, và cũng là công cụ giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư lựa chọn các Thành viên thị trường có uy tín và kết quả hoạt động tốt”, ông Quỳnh nói thêm.
Theo MXV, bộ tiêu chí đánh giá Thành viên sẽ bao gồm: Tiêu chí an toàn tài chính, Tiêu chí hoạt động giao dịch, Tiêu chí tuân thủ và Tiêu chí minh bạch thông tin. Các tiêu chí này sẽ được đánh giá một cách minh bạch và công bố thông tin rộng rãi đối với toàn thị trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các Thành viên thị trường đều hưởng ứng nhiệt liệt và tin rằng bảng xếp hạng Thành viên sẽ tạo động lực giúp thị trường hàng hóa phát triển bùng nổ hơn trong tương lai. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự chuyên nghiệp của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam, tiệm cận các tiêu chuẩn trên thị trường thế giới.