Tỉnh cũng tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kết hợp tiếp tục kêu gọi đầu tư khu công nghiệp Thạnh Lộc giai đoạn 1, cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam giai đoạn 1 (Gò Quao), khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành...
Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp; thực hiện kịp thời, có hiệu quả các gói, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Qua đó, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là những nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, những ngành nghề dễ bị tổn thương do dịch bệnh.
Ngành chức năng tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trong và ngoài nước để khôi phục thị trường tiêu thụ. Từ đó, phấn đấu khôi phục 100% hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, khu, cụm công nghiệp để vừa sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, vừa giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống.
Năm 2021, tỉnh Kiên Giang đã cấp 17 quyết định chủ trương đầu tư dự án, với diện tích 54,1 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2.578 tỷ đồng, giảm 32 dự án và giảm khoảng 22.253 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư so với năm 2020.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, đến cuối năm 2021, tỉnh có 823 dự án, với quy mô khoảng 40.770 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 544.487 tỷ đồng; trong đó, có 375 dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 67.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Năm 2021, dịch COVID-19 tác động toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, lĩnh vực xây dựng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cho giá một số vật liệu xây dựng tăng cao như sắt, thép, cát, đá…
Đồng thời, thiếu hụt công nhân lao động dẫn đến nhiều nhà đầu tư không triển khai được dự án đã phê duyệt, thực hiện các công trình trọng điểm diễn ra chậm. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cuối năm 2021, tỉnh Kiên Giang còn 10.592 doanh nghiệp tồn tại theo đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng giảm và rời khỏi thị trường có xu hướng tăng. Tỉnh thành lập mới 1.200 doanh nghiệp, giảm 300 doanh nghiệp so với năm 2020. Đây cũng là năm có số doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Đồng thời, có 1.072 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn năm trước 723 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỉnh thực hiện tốt việc cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, cấp đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử và nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích… Các ngành chức năng tỉnh cũng đã đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư và phục hồi, ổn định sản xuất.
Cụ thể, tỉnh hỗ trợ các tập đoàn, công ty đến tìm hiểu, khảo sát thực tế các dự án kêu gọi đầu tư tại thành phố Hà Tiên và huyện Kiên Lương, khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành)… Tỉnh giới thiệu dự án đầu tư cho một số đơn vị có nhu cầu tìm hiểu như: dự án Hồ nước ngọt giai đoạn 1 tại thành phố Rạch Giá, dự án điện gió và điện khí, giới thiệu thông tin danh mục dự án kêu gọi hợp tác đầu tư đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Cùng với đó, thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho các doanh nghiệp và khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với tổng số tiền hỗ trợ 45,7 tỷ đồng. Các ngành liên quan hướng dẫn doanh nghiệp công nghiệp triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.
Ngành chức năng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh...